Hàng trăm mét vuông đất bị sử dụng sai mục đích
Vừa qua, Báo Kinh tế & Đô thị nhận được phản ánh của sư thầy Thích Đàm Nhung - Trụ trì chùa Mui (xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín) về việc 8/10 trường hợp dù đã hết hợp đồng thuê thầu đất nhưng không hoàn trả mặt bằng, tiếp tục sử dụng đất khu vực ao Đền Thượng (thuộc quần thể di tích Đình, chùa Mui) gây mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến công tác thực hiện dự án cải tạo nâng cấp kè ao Đền Thượng.
“Từ năm 2009 đến nay, nhà chùa cùng Nhân dân thôn An Duyên đã nhiều lần nhờ các cấp chính quyền xã vận động, hỗ trợ các hộ di dời, bàn giao lại mặt bằng, song đến thời điểm này, mới chỉ có 2 hộ bàn giao lại đất đã thuê, 8 trường hợp còn lại vẫn chưa bàn giao mặt bằng gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, cảnh quan của khu di tích” – sư thầy Thích Đàm Nhung chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, Bí thư Chi bộ thôn An Duyên Phạm Vũ Mây cho biết, trong giai đoạn năm 1991 – 1993, để tạo điều kiện phát triển kinh tế địa phương, Hội Tín lão (nay là Hội Người cao tuổi) đã cho một số người dân địa phương thuê khu vực giáp với ao Đền Thượng để tổ chức kinh doanh. Tuy nhiên, đến năm 2018, căn cứ các quy định hiện hành, các đơn vị có liên quan đã chấm dứt việc cho thuê và yêu cầu những hộ hoàn trả mặt bằng để đảm bảo cảnh quan khu di tích…, nhưng các hộ vẫn không chấp hành.
Ông Phạm Vũ Mây thông tin thêm, liên quan đến vấn đề này, ngày 15/12/2020, thôn An Duyên đã phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức họp lấy ý kiến về GPMB diện tích thuê thầu khu ao Đền Thượng, thuộc khu vực Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình, chùa Mui. Tại thời điểm đó, thông qua lấy ý kiến bằng phiếu đối với 867 hộ dân trong thôn có 727 hộ đề nghị giải toả toàn bộ mặt bằng khu ao Đền Thượng, chiếm 83,85%; 138 hộ chiếm 15,9% đồng ý giải toả bớt lại 11,5m; 2 hộ, tương đương 0,23% không đồng ý giải toả.
Kiên quyết giải toả theo nguyện vọng của đông đảo người dân
Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND xã Tô Hiệu Lương Đức Nghĩa cho biết, ao Đền Thượng nằm trong quần thể Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Mui, xã Tô Hiệu được Bộ VH&TT công nhận năm 1999. Trước năm 1995, BCH Hội Tín lão thôn An Duyên ký hợp đồng cho các hộ thuê thầu đất, diện tích ban đầu cho thuê là 270m2 để làm dịch vụ. Thời gian thuê là 6 tháng. Trong thời gian thuê, các hộ không được xây dựng bằng vôi cát, chỉ được xây bằng bùn, không được lấn chiếm thêm…
Hết thời gian thuê Hội Tín lão chưa thanh lý hợp đồng nhưng vẫn thu tiền thuê thầu hàng năm, không làm lại hợp đồng và thu tiền ký nhận vào sổ sách lưu giữ hoặc phiếu thu. Trong quá trình thuê thầu sử dụng, các hộ đã lấn chiếm như hiện trạng, khoảng 788,2m2 (hiện 2 hộ đã bàn giao mặt bằng). Quá trình các hộ sử dụng, lấn chiếm, xây dựng sai phép… UBND xã còn lưu hồ sơ vi phạm.
Ông Lương Đức Nghĩa cho biết, thực hiện Nghị quyết của Đảng uỷ, HĐND xã thống nhất giải phóng toàn bộ trả lại hiện trạng ban đầu vì khu di tích đã được xếp hạng Quốc gia. Thực hiện nghị quyết trên, UBND và Công an xã đã mời các hộ đến làm việc để tuyên truyền vận động tự nguyện bàn giao mặt bằng… nhưng đến nay 8 hộ vẫn chưa chấp hành.
“Đây là vụ việc vi phạm tồn tại cũ, nhưng lại là việc được Nhân dân ủng hộ rất cao để bảo tồn và giữ gìn Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình, chùa Mui. Do đó, hiện tại, UBND xã Tô Hiệu và các đơn vị chức năng huyện đang khẩn trương vào cuộc lập hồ sơ bản đầu, đề nghị cưỡng chế giải toả toàn bộ các công trình vi phạm để UBND xã, Nhân dân thôn An Duyên khôi phục, sửa chữa cải tạo khu ao Đền Thượng” – ông Lương Đức Nghĩa nhấn mạnh.