Seoul hỗ trợ DN đóng tại KCN Gaesung

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau khi rút toàn bộ nhân sự về nước, chính phủ Hàn Quốc đã ngừng cấp điện, nước cho KCN liên Triều Gaesung ở Bắc Triều Tiên. Đồng thời công bố các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp Hàn bị ảnh hưởng.

Động thái này của phía Seoul dựa theo hướng dẫn về quản lý tình huống nguy cấp tại KCN liên Triều Gaesung. Đây là lần đầu tiên nguồn cấp điện tại KCN này bị cắt hoàn toàn sau 11 năm đi vào hoạt động từ năm 2005. Nếu điện bị cắt thì nhà máy nước phía trong KCN sẽ bị ngừng hoạt động.  

Từ trước tới nay, nhà máy nước này cung cấp 7.000 tấn nước cho các doanh nghiệp trong KCN và 14.000 tấn nước cho người dân thành phố Gaesung, CHDCND Triều Tiên.
Seoul hỗ trợ DN đóng tại KCN Gaesung - Ảnh 1
 
Chính phủ Hàn Quốc nhận định các doanh nghiệp đóng tại KCN liên Triều sẽ chịu thiệt hại lớn do Bình Nhưỡng tự ý đóng cửa hoàn toàn khu công nghiệp này. Do đó, Chính phủ sẽ tìm kiếm mọi phương án hỗ trợ doanh nghiệp như kéo dài thời hạn trả nợ hay huy động vốn khẩn cấp. 

Theo quyết định công bố hôm qua, chính phủ Hàn Quốc sẽ kéo dài thời gian trả nợ gốc và lãi cho các doanh nghiệp gặp khó khăn mà đã vay vốn từ Quỹ hợp tác liên Triều. Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ thực thi nhanh các thủ tục chi trả tiền bảo hiểm cho những doanh nghiệp tham gia đóng bảo hiểm hợp tác kinh tế liên Triều; các khoản vay hay bảo lãnh khác của doanh nghiệp cũng sẽ được lùi thời hạn trả nợ.

Để thực hiện các đối sách trên, Chính phủ sẽ khẩn trương hỗ trợ Quỹ ổn định kinh doanh khẩn cấp thông qua các ngân hàng chính sách quốc gia, giảm lãi suất cho vay và lùi thời hạn trả nợ cho doanh nghiệp ở các ngân hàng tư nhân. Chính phủ cũng sẽ cho phép trì hoãn nộp các loại thuế hoặc các khoản tiện ích công cộng như tiền điện. Công nhân viên những doanh nghiệp đóng tại KCN Gaesung sẽ được cho vay tiền duy trì tuyển dụng và ổn định cuộc sống. Các doanh nghiệp cũng sẽ không phải nộp ngay tiền bảo hiểm xã hội.

Chính phủ sẽ thành lập một nhóm hỗ trợ các doanh nghiệp có sự tham gia của các bộ ngành hữu quan để có thể làm việc trực tiếp và hiệu quả với mỗi doanh nghiệp gặp khó khăn bắt đầu từ hôm qua (12/2).
Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Hong Yong-pyo cảnh báo Bình Nhưỡng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm vì tình hình căng thẳng hiện nay.
Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Hong Yong-pyo cảnh báo Bình Nhưỡng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm vì tình hình căng thẳng hiện nay.
Trong một diễn biến có liên quan, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Hong Yong-pyo đã bày tỏ lấy làm tiếc về các biện pháp cực đoan của Bình Nhưỡng như tự ý tuyên bố đóng cửa khu công nghiệp liên Triều Gaesung ở CHDCND Triều Tiên, đuổi người miền Nam ra khỏi đây và đóng băng mọi tài sản, cắt đứt tất cả các kênh đối thoại liên Triều.
Bộ trưởng Hong không quên cảnh báo, CHDCND Triều Tiên phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về mọi diễn biến xảy ra sau khi nước này tự ý ban lệnh đóng cửa hoàn toàn khu công nghiệp liên Triều Gaesung. Đồng thời, Bộ trưởng Thống nhất yêu cầu Bình Nhưỡng không được phép làm hư hại tài sản của doanh nghiệp Hàn Quốc tại đó. 

Đại diện Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết quân đội đã được đặt trong trạng thái sẵn sàng đối phó với bất cứ tình huống nào, trong đó có việc miền Bắc có thể sẽ bố trí lại quân đội tại KCN Gaesung nay đã bị đóng cửa.

Việc các đường dây liên lạc nối hai miền đều đã bị chặn khiến dư luận quốc tế quan ngại căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sẽ gia tăng. Đường dây liên lạc quân sự liên Triều vốn được sử dụng ở khu vực quản lý chung trên biển Tây và biển Đông. Tuy nhiên, đường dây trên biển Đông đã bị cắt đứt vào năm 2013 do cháy rừng. Vào hôm 11/2, khi tuyên bố đóng cửa khu công nghiệp Gaesung, CHDCND Triều Tiên đã cho cắt nốt đường dây liên lạc quân sự trên biển Tây còn lại.

Trước đó vào năm 2013, Bình Nhưỡng đã tuyên bố phá vỡ Hiệp định đình chiến ký kết trong chiến tranh Triều Tiên với Hàn Quốc năm 1953, cắt đứt đường dây liên lạc với Bộ Tư lệnh các lực lượng Liên Hợp quốc đóng tại Hàn Quốc. Hôm 11/2 vừa qua, nước này đã cắt cả kênh liên lạc Bàn Môn Điếm. Như vậy là không còn phương tiện nào để hai miền có thể liên lạc ngay lúc này.