Vấn đề này không chỉ đảm bảo cho các ngân hàng hoạt động an toàn hơn theo thông lệ quốc tế, mà còn tạo cú hích để các DN phát triển lành mạnh.
Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú, hiện vốn trung dài hạn cho nền kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào hệ thống ngân hàng, chiếm 50,6% tổng dư nợ. Không chỉ tỷ lệ tín dụng trung dài hạn (TDTDH) chiếm trong tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng quá lớn, mà trong cấu phần của nó đang là hệ quả của sự mất an toàn, tiềm ẩn rủi ro cao cho các ngân hàng thương mại (NHTM). Đó là việc ngân hàng mở quá mức tín dụng bất động sản (TDBĐS).
Theo quy định hiện hành của NHNN, một số đối tượng TDBĐS được ghép chung vào tín dụng tiêu dùng, nên rất khó khăn bóc tách, tổng hợp xác định dư nợ TDBĐS một cách đầy đủ, thực tế.
Theo con số của Ủy ban giám sát Tài chính Quốc gia, tỷ lệ TDBĐS năm 2018 chiếm khoảng 16,6% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng. Chiếu theo tỷ lệ dư nợ TDTDH là 50,6% mà Phó Thống đốc Tú đề cập trên sẽ tính được con số tỷ lệ dư nợ TDBĐS chiếm 30,5% tổng dư nợ TDTDH. Một con số đầy ấn tượng về tiềm ẩn mất an toàn của ngân hàng.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh, hiện 65 DN BĐS niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh đang có tổng giá trị hàng tồn kho đến 201.921 tỷ đồng. Nếu tính thêm DN BĐS niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và các DN BĐS chưa niêm yết khác thì con số đó còn khổng lồ hơn. Và nếu đây là con số kiểm chứng tin cậy, đủ khẳng định TDBĐS đang rất kém hiệu quả. Hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn TDTDH đang bị găm giữ và lãng phí. Nếu thị trường BĐS đóng băng ngân hàng có chịu được áp lực nợ xấu?
Siết tín dụng là lộ trình bắt buộc
Thứ nhất, ở nước ta từ trước đến nay tài trợ vốn trung, dài hạn cho DN dường như mặc định là nhiệm vụ của hệ thống ngân hàng. Thực ra nó chưa phù hợp thông lệ ngân hàng quốc tế (NHQT). Chức năng huy động vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế chủ yếu của TTCK chứ không phải của NHTM.
Thứ hai, để cấp tín dụng trung và dài hạn bản thân NHTM phải có thế mạnh huy động nguồn vốn này. Tuy nhiên, các công cụ huy động vốn hiện hữu của NHTM (trừ trái phiếu ngân hàng) hạn chế khả năng thanh khoản. Người ta chỉ có thể cầm cố chứng chỉ tiền gửi hoặc thẻ tiết kiệm cho chính ngân hàng phát hành để vay tiền chứ không thể chuyển nhượng được trên thị trường. Cho nên việc nắm giữ các công cụ này chịu áp lực rủi ro rất lớn từ diễn biến của lãi suất, lạm phát, tỷ giá tăng bất thường trên thị trường. Chính vì vậy, huy động nguồn vốn trung, dài hạn để cho vay của NHTM là khó khăn.
Thứ ba, do hạn chế nguồn vốn huy động có kỳ hạn tương ứng nên NHTM thường dùng một tỷ lệ nhất định nguồn vốn huy động ngắn hạn để cấp TDTDH. Điều này ngân hàng sẽ đứng trước áp lực rủi ro kép là rủi ro mất vốn và rủi ro thanh khoản (kỳ hạn). Do đòn rủi ro kép hết sức nguy hiểm nên các NHQT khá dè chừng trong việc cấp tín dụng so le kỳ hạn. Thông thường họ chỉ sử dụng tối đa 20% nguồn vốn ngắn hạn để cấp TDTDH.
Ở nước ta, mấy năm trước đây tỷ lệ này lên tới 60%, giảm dần còn 45% từ 1/1/2018, rồi 40% từ 1/1/2019. Theo NHNN, tại Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 36/2014/ TT- NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của các NHTM thì mức thấp nhất tỷ lệ đó là 30% có thể áp dụng từ 1/7/2021 (phương án 1) hoặc từ 1/7/2022 (phương án 2). Đây là lộ trình siết tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cấp TDTDH phù hợp và tiệm cận với thông lệ NHQT.
Thứ tư, dù không có đánh giá cụ thể, nhưng tình trạng một số NHTM gần như bên bờ phá sản và nhiều NHTM khác phải tái cơ cấu, khó khăn trong vòng 10 năm qua đều xuất phát từ rủi ro tín dụng. Trong đó nợ xấu từ TDTDH chiếm tỷ trọng lớn. Câu hỏi đặt ra tại sao TDTDH có độ rủi ro cao và khó trong huy động nguồn vốn nhưng các NHTM không chùn? Ngoại trừ yếu tố nhiệm vụ truyền thống thì điều hấp dẫn cho ngân hàng là biên độ lãi cao hơn vì lãi suất cho vay cao hơn và tỷ lệ phí cho vay thấp hơn so với tín dụng ngắn hạn; mặt khác, do xác định lợi nhuận theo cơ chế lãi dự thu nên trước mắt ngân hàng rất lợi (vốn giải ngân là có lãi). Dĩ nhiên, tín dụng trung và dài hạn dẫn đến nợ xấu thì bài tính của ngân hàng hoàn toàn đảo ngược. Cho nên, siết tín dụng trung và dài hạn là lời giải hợp lý của bài toán cân đối lợi ích và rủi ro của NHTM.
Thứ năm, chỉ còn hơn 6 tháng nữa là kết thúc năm 2019, khi đó các NHTM phải được NHNN công nhận đáp ứng tiệm cận các tiêu chuẩn an toàn vốn của Hiệp định Basel 2 theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Hiện tại (đến 1/7/2019) mới có 8 NHTM đáp ứng là VCB, VIB, MB, ACB, OCB, VPBank, TPBank và TCB. Một trong các tiêu chuẩn an toàn vốn quan trọng nhất là tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) đạt ít nhất là 8%. Có 2 cách khả dĩ thực hiện tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là ngân hàng tăng vốn tự có và cơ cấu lại TÀI SẢN CÓ RỦI RO. Trong đó siết TDTDH nói chung và tín dụng bất động sản nói riêng là bài tính hợp lý, bắt buộc để cơ cấu lại TÀI SẢN CÓ RỦI RO.
Tạo cú hích cho doanh nghiệp
Việc siết tỷ lệ cho vay trung, dài hạn là một thách thức không chỉ đối với hệ thống ngân hàng mà đối với DN và nền kinh tế.
Đối với ngân hàng, để tuân thủ quy định theo lộ trình là công việc không dễ dàng, buộc từng NHTM tích cực thu hồi nợ cũ và khống chế giải ngân nợ mới, thậm chí chỉ thu nợ mà không cho vay mới. Việc này hết sức khó khăn đối với không ít NHTM hiện có tỷ lệ dư nợ TDTDH đang chiếm trên 50%, thậm chí có ngân hàng là 65% tổng dư nợ. Thực tế đó có thể bất khả thi với một ít NHTM, chắc chắn họ phải xin NHNN gia hạn lộ trình.
Đối với DN, việc siết TDTDH theo lộ trình đã được NHNN thông báo từ trước, một số năm nay, nên không thể cho rằng chủ trương này đã tạo cú sốc cho DN. Tuy vậy, đặc điểm của đa số DN nước ta là vốn huy động triển khai dự án đầu tư chủ yếu dựa vào cung ứng tín dụng của ngân hàng. Việc giảm nguồn tài trợ TDTDH sẽ gây cho DN bị động nhất định trong quá trình tìm kiếm nguồn vốn mới thay thế.
Đối với nền kinh tế, việc giảm cung ứng TDTDH ít nhiều hạn chế khả năng tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng, do đó có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Điều có thể dự báo được, hệ quả trong 1 - 2 năm tới chủ trương siết TDTDH sẽ tác động tạo khan hiếm nguồn vốn huy động cho dự án đầu tư, từ đó kích thích tăng lãi suất thị trường.
NHTM cắt giảm nguồn vốn TDTDH buộc các DN không có con đường nào khác là tìm cách phát hành trái phiếu để tạo nguồn vốn thay thế. Thực tế cho thấy do bị siết nguồn vốn TDTDH nên một số doanh nghiệp đã mạnh dạn huy động vốn qua phát hành trái phiếu thành công. Tính từ đầu năm đến nay đã có 60.000 tỷ đồng được các DN huy động qua phát hành trái phiếu. Trong đó, nhóm DN BĐS, xây dựng và hạ tầng huy động 16.200 tỷ đồng với lãi suất từ 10 - 14,5%/năm.
Việc huy động vốn trung, dài hạn qua phát hành trái phiếu thay thế vay ngân hàng đã tạo cho DN chủ động hơn trong sử dụng vốn và áp dụng cơ cấu vốn hợp lý. Tuy nhiên, điều kiện đầu tiên để phát hành trái phiếu thành công là lãi suất của trái phiếu phải hấp dẫn, cao hơn hẳn lãi suất ngân hàng, dẫn đến gia tăng chi phí vốn. Chính vì vậy đòi hỏi DN phải tìm kiếm được những dự án đầu tư tốt hơn khi sử dụng vốn trái phiếu.
Mặc dù khả năng huy động vốn trái phiếu đã là hiện thực nhưng đa số DN vẫn chưa có chiến lược cụ thể, quyết liệt. Điều này thực ra cũng dễ cắt nghĩa, ngoài việc chi phí vốn cao hơn, để huy động vốn trái phiếu đòi hỏi DN phải đảm bảo dự án đầu tư có tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn thị trường, có kế hoạch sử dụng vốn và báo cáo tài chính minh bạch được kiểm toán, có tài sản hoặc ngân hàng bảo lãnh trái phiếu. Như vậy, việc NHTM siết TDTDH còn được coi là liệu pháp hích DN phát triển lành mạnh hơn.
Theo con số của Ủy Ban giám sát Tài chính Quốc gia, tỷ lệ TDBĐS năm 2018 chiếm khoảng 16,6% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng. Chiếu theo tỷ lệ dư nợ TDTDH là 50,6% mà Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú đã đề cập trong bài này sẽ tính được con số tỷ lệ dư nợ TDBĐS chiếm 30,5% tổng dư nợ TDTDH. Một con số đầy ấn tượng về tiềm ẩn mất an toàn của ngân hàng. |