Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Singapore: Sống cùng căn bệnh đặc hữu Covid-19

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tiếp tục phát triển và lây lan mạnh, thách thức thành quả hơn 1 năm qua khoanh vùng, truy vết và cách ly nghiêm ngặt để dập dịch của ngành y tế. Trong bối cảnh đó, giới chức Singapore đã vạch ra một chiến lược giúp đất nước sẵn sàng “sống chung” với Covid-19.

Người dân đi lại giữa mùa dịch ở Singapore. Ảnh: Strait Times
Lấy ví dụ như ở Mỹ, mỗi năm có hàng trăm nghìn người phải nhập viện và hàng chục nghìn người tử vong vì bệnh cúm mùa. Nhưng vì khả năng bị ốm nặng do cúm rất thấp nên mọi người vẫn tiếp tục các hoạt động hàng ngày của mình ngay cả trong mùa cúm, song song với việc thực hiện biện pháp phòng ngừa đơn giản hoặc đi tiêm ngừa cúm mỗi năm. Trên cơ sở đó, 3 vị Bộ trưởng thuộc liên ngành phụ trách ứng phó đại dịch Covid-19 của Singapore, gồm Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Gan Kim Yong, Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong đã vạch ra các bước, nhằm biến đại dịch thành một thứ gì đó ít nguy hiểm hơn để có thể “sống chung”, tương tự với các bệnh đặc hữu như cúm mùa, thủy đậu, tay chân miệng…

Nhanh chóng tiêm vaccine

Trích dẫn kinh nghiệm thành công của Israel - với tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 ở những người được tiêm chủng thấp hơn 30 lần so với những người không được tiêm chủng và tỷ lệ nhập viện sau khi đã tiêm chủng cũng thấp hơn 10 lần - giới chức Singapore nhận định trên The Strait Times: “Vaccine có hiệu quả cao trong việc giảm nguy cơ nhiễm trùng cũng như lây truyền. Ngay cả khi bạn bị nhiễm bệnh, vaccine sẽ giúp ngăn ngừa các triệu chứng nghiêm trọng của Covid-19”.

Các Bộ trưởng khẳng định Singapore đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu 2/3 dân số sẽ nhận ít nhất được liều vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên vào đầu tháng 7 tới, và ít nhất 2/3 dân số được tiêm đủ 2 liều đúng vào dịp Quốc khánh 9/8. Và để duy trì mức độ bảo vệ cao cũng như chống lại các biến thể mới kháng các loại vaccine hiện tại, việc tiêm liều nhắc lại là cần thiết. Do đó, Singapore đang định hướng duy trì một chương trình tiêm chủng toàn diện, kéo dài nhiều năm tới.

Cải thiện năng lực xét nghiệm

Theo các Bộ trưởng, chiến dịch xét nghiệm và tuy vết của Singapore sẽ chuyển trọng tâm sang một hướng mới: Đẩy mạnh việc xét nghiệm ở biên giới để ngăn các ca bệnh ngoại nhập, đặc biệt là các biến thể mới đáng lo ngại; trong khi xét nghiệm trong nước không chỉ nhằm cách ly mà còn là phương pháp để đảm bảo các sự kiện, hoạt động xã hội và những chuyến đi nước ngoài có thể diễn ra an toàn.
Để thực tế hóa mục tiêu này, Singapore đã triển khai thêm nhiều phương pháp xét nghiệm nhanh, chẳng hạn như xét nghiệm Covid-19 qua hơi thở, cho kết quả ngay sau 1 - 2 phút mà không cần lấy mẫu dịch ở mũi, họng như PCR. Ngoài ra, Singapore còn lấy dữ liệu qua việc phân tích mẫu nước thải, giúp phát hiện các ca nhiễm Covid-19 tiềm ẩn trong những khu ký túc xá, nhà trọ tập thể hoặc khu nhà ở.
Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Gan Kim Yong và Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung của Singapore. Ảnh: Strait Times
Đề cao ý thức, trách nhiệm xã hội

“Cuối cùng, liệu chúng ta có thể sống chung với Covid-19 hay không phụ thuộc vào cách người dân Singapore đồng ý rằng Covid-19 là căn bệnh đặc hữu và có hành vi vì tập thể”, bài xã luận của 3 “tư lệnh” ngành Singapore đăng tải hôm 24/6 viết. “Nếu tất cả chúng ta vệ sinh cá nhân tốt, chúng ta sẽ ít bị nhiễm bệnh hơn. Nếu tất cả chúng ta quan tâm đến nhau, tránh xa đám đông khi chúng ta cảm thấy không khỏe, chúng ta sẽ giảm lây truyền bệnh. Nếu tất cả chúng ta cùng nhau gánh vác gánh nặng - người lao động giữ an toàn cho đồng nghiệp bằng cách ở nhà khi bị ốm và người sử dụng lao động không đối xử bất công với họ - thì xã hội của chúng ta sẽ an toàn hơn rất nhiều”.

Mô hình "sống chung với Covid-19" tại Singapore

Thứ nhất, một người mắc Covid-19 có thể tự khỏi tại nhà, bởi vì nếu đã được tiêm vaccine, các triệu chứng sẽ tương đối nhẹ. Kết hợp với những người xung quanh cũng đã được tiêm phòng, giúp nguy cơ lây nhiễm cũng thấp hơn. Điều này sẽ giảm gánh nặng lên hệ thống y tế vốn đã quá tải tại Singapore.

Thứ hai, có thể không cần phải truy vết các trường hợp nghi nhiễm và cách ly những người tiếp xúc với ca bệnh. Người dân có thể tự xét nghiệm thường xuyên bằng bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh. Nếu có kết quả dương tính, họ có thể xác nhận lại bằng xét nghiệm PCR ở các bệnh viện và sau đó tự cách ly.

Thứ ba, thay vì theo dõi số lượng ca mắc Covid-19 mỗi ngày, Singapore sẽ tập trung vào kết quả: Bao nhiêu người bị ốm nặng, bao nhiêu người trong phòng chăm sóc đặc biệt, bao nhiêu người cần được đặt nội khí quản để thở oxy. Điều này giống như cách giám sát bệnh cúm hiện nay.

Thứ tư, có thể dần nới lỏng các quy định quản lý an toàn và cho phép tổ chức các cuộc tụ tập và những sự kiện lớn, như lễ diễu hành ngày quốc khánh hoặc chào năm mới. Các doanh nghiệp cũng không còn phải lo về nguy cơ gián đoạn hoạt động kinh doanh.

Thứ năm, việc đi lại giữa các quốc gia sẽ được khôi phục, miễn là các quốc gia đó đã kiểm soát được dịch và biến Covid-19 thành một căn bệnh thông thường.