Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục giảm nhưng người dân không nên chủ quan

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tuần cuối cùng của năm 2022, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội cũng như cả nước tiếp tục giảm mạnh. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn tiếp tục khuyến cáo người dân không nên chủ quan với dịch.

Năm 2022, Hà Nội ghi nhận 19.581 ca sốt xuất huyết

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần qua, Hà Nội ghi nhận 366 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 14,3% so với tuần trước đó) và không có ca tử vong. Bệnh nhân ghi nhận tại 25/30 quận, huyện, thị xã, trong đó có một số đơn vị có số mắc cao, như: Hà Đông (109 ca), Ba Đình (79 ca), Nam Từ Liêm (28 ca), Phú Xuyên (22 ca).

Nếu như vào tháng 11 và đầu tháng 12/2022, trung bình mỗi tuần có từ 1.300-1.400 ca sốt xuất huyết thì trong hai tuần qua chỉ ghi nhận từ hơn 360-400 ca/tuần.

Như vậy, năm 2022, Hà Nội ghi nhận 19.581 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 25 ca tử vong. So với năm 2021, số ca mắc trong năm 2022 tăng gấp 5,8 lần và tăng 25 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 567/579 xã, phường, thị trấn.

Nhân viên y tế cơ sở hướng dẫn người dân loại bỏ các dụng cụ chứa nước có bọ gậy để phòng bệnh sốt xuất huyết.
Nhân viên y tế cơ sở hướng dẫn người dân loại bỏ các dụng cụ chứa nước có bọ gậy để phòng bệnh sốt xuất huyết.

Ngoài ra, trong tuần qua TP cũng ghi nhận thêm 4 ổ dịch sốt xuất huyết mới tại 2 quận: Đống Đa (2 ổ dịch), Hai Bà Trưng (2 ổ dịch). Như vậy, trong năm 2022, thành phố đã ghi nhận 1.432 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Hiện tại còn 23 ổ dịch đang hoạt động tại 7 quận, huyện.

Trong khi đó, theo Bộ Y tế, số ca mắc mới sốt xuất huyết những tuần cuối của năm 2022 trên cả nước giảm, do thời tiết lạnh không thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.

Theo thống kê tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết cho thấy, tích lũy từ đầu năm 2022 đến cuối năm, cả nước ghi nhận 361.813 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 133 ca tử vong. Trong tuần cuối cùng của năm 2022, số ca mắc sốt xuất huyết trên cả nước đã giảm mạnh so với các tuần trước đó của tháng 10-11 và đầu tháng 12 (số ca mắc thường trên 10.000 trường hợp/ tuần, thậm chí có những đợt cao điểm còn gần 12.000 ca/ tuần).

Theo đó, trong tuần 51, cả nước ghi nhận 6.266 trường hợp mắc sốt xuất huyết, không ghi nhận trường hợp tử vong. So với tuần 50, (8.169/1) số mắc giảm 23,3%. Trong đó, số nhập viện là 5.069/0, so với tuần trước (6.770/1) số nhập viện giảm 25,1%.

Nâng cao ý thức phòng dịch

Mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết thời gian gần đây giảm, tuy nhiên, dự báo trong thời gian tới, vẫn sẽ tiếp tục ghi nhận bệnh nhân tại các địa phương.  Do đó, các chuyên gia vẫn khuyến cáo người dân cần tiếp tục nâng cao ý thức của bản thân đối với cộng đồng; chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Để hạn chế số ca mắc mới, người dân phối hợp diệt muỗi, diệt bọ gậy, loăng quăng, loại bỏ các dụng cụ chứa nước đọng, tích cực vệ sinh môi trường, không cho muỗi truyền bệnh sinh sôi, phát triển.

Liên quan đến các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trong thời gian tới, CDC Hà Nội cho rằng, TP cần tiếp tục chủ động giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, từ đó, triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời.

Phun hóa chất diệt muỗi.
Phun hóa chất diệt muỗi.

Bên cạnh đó, tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy tại khu vực ổ dịch một cách triệt để, bảo đảm các chỉ số côn trùng dưới ngưỡng (BI<20) mới được coi là đạt và được phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành, bảo đảm tỷ lệ phun đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế. Mặt khác, duy trì công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định phòng, chống dịch, đặc biệt xử lý nghiêm tình trạng chủ quan, lơ là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Các bác sĩ cũng đưa ra khuyến cáo, vì sốt xuất huyết có biểu hiện giống như sốt do các virus khác, nên nhiều người chủ quan, không đi khám hoặc tự điều trị tại nhà. Thậm chí, có trường hợp tự ý truyền dịch và dùng kháng sinh, điều này có thể nguy hiểm đến tính mạng...

Còn các chuyên gia dịch tễ cho rằng, do dịch sốt xuất huyết có tính chất chu kỳ, điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho lăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh và gia tăng sự giao lưu, đi lại của người dân sau dịch Covid-19, ngoài ra, ý thức của người dân trong chủ động phòng, chống dịch chưa cao, qua kiểm tra giám sát vẫn còn phát hiện nhiều ổ bọ gậy, lăng quăng trong hộ gia đình, khu dân cư. Đây là những lý do khiến ca mắc sốt xuất trong năm 2022 tăng vọt so với năm 2021.

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, TP tiếp tục quan tâm tập trung chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai ngay chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy, kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt bọ gậy. Ngành Y tế triển khai giám sát chặt việc xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết tại địa phương. Tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch...