Báo cáo mới nhất được RBK trích số liệu từ Công ty tư vấn NF Group, cho thấy số lượng thương hiệu nước ngoài đăng ký hoạt động tại Nga kể từ đầu năm đến nay tăng vọt, bất chấp sức ép từ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow.
Tính chung trong 9 tháng đầu năm nay, 16 hãng bán lẻ nước ngoài bắt đầu đăng ký kinh doanh tại Nga - mức cao nhất trong 4 năm.
Trước đó, trong năm 2019, Nga báo cáo khoảng 26 công ty bán lẻ nước ngoài gia nhập thị trường nước này, song con số giảm dần trong những năm sau đó, với 13 công ty vào năm 2020, 15 vào năm 2021 và 11 vào năm 2022.
Số lượng thương hiệu mới tìm đến thị trường Nga đạt mức cao nhất trong thập kỷ được ghi nhận vào năm 2014 với 68 công ty.
Phần lớn các thương hiệu mới đăng ký kinh doanh tại Nga là các doanh nghiệp ngành dệt may, giáy dép và sản xuất hàng gia dụng.
Hầu hết các thương hiệu nước ngoài mới có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng cũng có doanh nghiệp của Australia, Hàn Quốc và Estonia.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, nguồn gốc của các thương hiệu nước ngoài mới đăng ký hoạt động tại Nga đã có sự thay đổi đáng kể so với cùng kỳ năm 2022 - thời điểm hàng loạt doanh nghiệp phương Tây “tháo chạy” khỏi thị trường Nga do các lệnh cấm vận liên quan đến chiến sự tại Ukraine. Trước khi bùng phát xung đột quân sự Nga-Ukraine, phần lớn số doanh nghiệp nước ngoài đăng ký mới đều là các công ty có trụ sở tại Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.
Trong khi đó, một số nhà phân tích thị trường cho rằng sự rút lui của các doanh nghiệp phương Tây lại là cơ hội “vàng” cho các thương hiệu hạng hai và hạng ba vươn ra thị trường quốc tế thông qua Nga.
Mặc dù những tên tuổi này này không thể sánh được với các “ông lớn” trong ngành về giá thị thương hiệu toàn cầu, nhưng họ có thể cung cấp cho thị trường những sản phẩm có chất lượng tương đương.
Ngoài ra, các doanh nghiệp trong nước của Nga đang tranh thủ thời điểm thuận lợi hiện tại để lấp khoảng trống do các công ty phương Tây để lại.
Theo báo cáo của NF Group, tính từ tháng 3/2022 đến cuối quý 1/2023, đã có 23 công ty nước ngoài thông báo rời khỏi thị trường Nga, trong khi 34 công ty đổi tên thương hiệu và chuyển giao hoạt động tại Nga cho các công ty khác.
Do đó, hiện còn rất nhiều diện tích cho thuê tại các trung tâm mua sắm lớn của Nga. Các thương hiệu quần áo của Nga như Lime, Henderson, Gloria Jeans, Ostin, Love Republic và Sela đã tích cực tận dụng những cơ hội này, mở rộng hoạt động trên khắp đất nước trong năm qua.
Ngay sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào cuối tháng 2/2022, hàng loạt doanh nghiệp phương Tây đã “đổ xô” rút khỏi thị trường Nga do lo ngại tác động từ các lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, việc rời khỏi Nga hiện không đơn giản khi Moscow ngày càng đặt ra nhiều rào cản đối với các doanh nghiệp nước ngoài muốn rút khỏi nước này. Vào tháng 12 năm ngoái, Moscow đã thắt chặt các quy định đối với những công ty phương Tây muốn rời khỏi Nga, yêu cầu giảm giá 50% cho tất cả các giao dịch nước ngoài, cũng như đóng góp cho ngân sách Nga ít nhất 10% giá bán.
Đến tháng 7 vừa qua, Nga đã siết chặt các quy định về việc rời khỏi thị trường nước này, cấm chuyển tiền ra nước ngoài từ việc bán các doanh nghiệp nếu công ty thuộc sở hữu của một cá nhân hoặc công ty mẹ từ danh sách các quốc gia "không thân thiện" của Nga. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng bị cấm đưa ra các lựa chọn mua lại đối với việc bán tài sản ở Nga của họ trong thời gian từ 2 năm trở lên.
Đối phó với làn sóng “tháo chạy” của các doanh nghiệp nước ngoài, Nga đã đẩy mạnh hợp tác kinh tế với các đối tác ngoài phương Tây, đáng chú ý nhất là Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo đánh giá của chuyên gia Aleksey Kupriyanov thuộc Aspring Capital, người đã tư vấn cho Chính phủ Nga về hàng chục thương vụ của doanh nghiệp nước ngoài, cuộc “di cư” của các công ty trên là một cơ hội lớn đối với các doanh nhân Nga, cũng như các đối thủ và đối tác kinh doanh.