Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sở GTVT Hà Nội nói gì về đề xuất mở rộng đường Láng?

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, có nhiều phương án đầu tư mở rộng đường Láng và xây dựng Vành đai 2 trên cao, đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy. Dựa trên nghiên cứu thực tế và đánh giá tác động xã hội, TP sẽ lựa chọn phương án tối ưu, khả thi nhất.

Đang nghiên cứu nhiều phương án

Vừa qua, Sở GTVT Hà Nội đã có báo cáo trình lên UBND TP Hà Nội xem xét 11 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có dự án mở rộng Vành đai 2 trên cao đoạn từ Ngã Tư Sở - Cầu Giấy, bao gồm cả mở rộng đường Láng hiện tại.

Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính, Sở GTVT Hà Nội Phan Trường Thành cho biết, ý tưởng ban đầu là dự án sẽ cải tạo, mở rộng Vành đai 2 trên cao và dưới thấp đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy, dự kiến có tổng đầu tư trên 21.000 tỷ đồng, trong đó đoạn dưới thấp hơn 17.000 tỷ đồng và đoạn trên cao gần 3.900 tỷ đồng.

Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính, Sở GTVT Hà Nội Phan Trường Thành 
Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính, Sở GTVT Hà Nội Phan Trường Thành 

Do tổng mức đầu tư lớn nên Sở GTVT đề xuất tách thành hai dự án, trong đó ưu tiên cải tạo mở rộng Vành đai 2 dưới thấp dài khoảng 3,8km, điểm đầu tại nút giao Ngã Tư Sở và điểm cuối tại nút giao Cầu Giấy. Chi phí dự kiến hơn 17.000 tỷ đồng gồm giải phóng mặt bằng (GPMB) 16.700 tỷ đồng, xây lắp 541 tỷ đồng. Khi cải tạo xong đường Láng sẽ rộng 53,5m, vận tốc thiết kế 80km/giờ và là trục chính đô thị.

Còn Vành đai 2 trên cao, đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy có chiều dài 3,8km, rộng 19m, đáp ứng vận tốc 80km/giờ, có tổng mức đầu tư dự kiến gần 3.900 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2026 - 2030.

Ngay sau khi có thông tin này, không ít chuyên gia giao thông cũng như người dân trên địa bàn Thủ đô băn khoăn về tính hiệu quả của siêu dự án này. Bởi, dự án chỉ dài khoảng 3,8km nhưng tiêu tốn theo dự kiến là hơn 21.000 tỷ đồng.

Hơn nữa, việc GPMB khu vực đường Láng cũng rất phức tạp, liệu có dây dưa kéo dài như Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục hàng chục năm nay chưa xong.

Liên quan đến dự án nêu trên, ông Phan Trường Thành khẳng định: “Hiện thông tin mới chỉ là ban đầu, sơ bộ. Trong quá trình thực hiện sẽ phải triển khai một loạt các công việc nữa, sẽ đưa ra nhiều phương án khác nhau chứ không chỉ là một phương án”.

“Chúng tôi khẳng định rằng sẽ đưa ra nhiều phương án. Trách nhiệm của cơ quan Nhà nước là phải chọn được phương án phù hợp khả thi, có tính kinh tế và hiệu quả nhất, thậm chí là đặt lên bàn cân đo, đong đếm có thể triển khai dự án hay là không”- vị đại diện Sở GTVT Hà Nội nói.

“Chúng tôi đã lựa chọn được đơn vị tư vấn để chính thức đi vào nghiên cứu cụ thể dự án. Đoạn mở rộng đường Vành đai 2 trên cao và dưới thấp không dài nhưng quy mô GPMB dự kiến rất lớn; cùng với hàng cây xà cừ lâu năm chạy dọc đường Láng cũng được yêu cầu Tư vấn phải bảo tồn.

Đó còn chưa kể TP Hà Nội phải cân đối nguồn vốn thực hiện. Bởi hiện tại TP đang tập trung làm Vành đai 4 có tổng mức đầu tư rất lớn. Đây cũng là bài toán đặt ra với cơ quan quản lý.

Vậy nên phương án vừa được báo cáo chưa phải phương án chắc chắn sẽ lựa chọn. Còn phải nghiên cứu tính hiệu quả, khả thi, có đánh giá tác động xã hội sâu sát, toàn diện” - ông Phan Trường Thành cho hay.

Tiết kiệm chi phí được không?

Một trong những phương án đầu tư xây dựng Vành đai 2 cả trên cao và dưới thấp đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy là mở rộng tuyến đường về phía sông Tô Lịch. Như vậy sẽ hạn chế tối đa chi phí GPMB, cũng như giảm thiểu những tác động có thể gây xáo trộn đến đời sống của hàng nghìn hộ dân ven đường Láng.

Đường Láng thường xuyên xảy ra ùn tắc vào khung giờ cao điểm.
Đường Láng thường xuyên xảy ra ùn tắc vào khung giờ cao điểm.

Tuy nhiên, hướng đầu tư này cũng sẽ đặt ra những vấn đề như: Có ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước hay không? Cảnh quan đô thị và đặc biệt địa chất có ảnh hưởng đến chất lượng công trình hay không?

Ông Phan Trường Thành cho hay: “Phương án xây dựng đường Vành đai 2 trên cao về phía sông Tô Lịch, vừa không phụ thuộc dự án mở rộng dưới thấp, vừa có thể bảo tồn được hàng xà cừ lâu năm. Nhưng cần tính toán cụ thể về kỹ thuật và chất lượng công trình.

Hơn nữa như vậy cũng mới chỉ giải quyết được phần trên cao, còn phần dưới thấp (đường Láng), theo quy hoạch phải mở rộng 53m. Nếu không làm đường dưới thấp thì sẽ không thể làm được đường trên cao”.

“Nên hay không nên, đầu tư ra sao sẽ được chúng tôi đặt ra. Chính vì vậy, trong các báo cáo nghiên cứu đều đưa ra, dự án có khả thi hay không cả về mặt kinh tế và hiệu quả của dự án” - ông Phan Trường Thành nhấn mạnh.

Vị đại diện Sở GTVT Hà Nội cũng khẳng định, đây là dự án có quy mô phức tạp, sẽ được lấy ý kiến của giới chuyên gia, nhà khoa học, các cấp ngành và người dân, đặc biệt là người dân nằm trong vùng tác động của dự án.

Rút kinh nghiệm từ Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, sẽ chuẩn bị đầu tư thật tốt mới bắt tay vào làm, không để dự án dây dưa kéo dài. Quy trình thẩm định dự án rất chặt chẽ, thận trọng và còn rất dài ở phía trước.

Tuyến đường Vành đai 2 theo quy hoạch dài 39km khép kín, hiện còn 6,1km chưa được cải tạo, đầu tư mở rộng theo quy hoạch. Trong đó có đoạn Ngã Tư Sở- Cầu Giấy (đi trùng với đường Láng hiện tại) và đoạn hơn 2km ở phía Bắc sông Hồng. Do vậy, việc ưu tiên hoàn thiện đầu tư khép kín 39km Vành đai 2 theo quy hoạch là cần thiết.

Nếu hoàn thiện được toàn bộ tuyến Vành đai 2 theo quy hoạch sẽ giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông, giải quyết các điểm giao cắt trên các tuyến giao thông trọng điểm, hỗ trợ giảm tải cho Vành đai 3 hiện tại.

 

Về con số khái toán dự án hơn 21.000 tỷ đồng cho cả phần trên cao và dưới thấp, ông Phan Trường Thành cho rằng, đây mới chỉ là dự tính, chưa có con số chi tiết. Khối lượng GPMB của dự án rất lớn, bởi vậy phải có đánh giá chi tiết. Còn như Sở GTVT đưa ra mới chỉ là bài toán tổng thể.