Số hóa mở ra không gian phát triển, tăng cạnh tranh cho doanh nghiệp

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát triển kinh tế số, xã hội số, các mô hình, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mới sẽ mở rộng không gian phát triển cho doanh nhân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để có thể thực hiện hiệu quả, ngoài nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, cũng cần cơ chế, chính sách, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ban ngành, địa phương. Đây là nhận định của các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp tại Toạ đàm "Nâng cao năng lạnh cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số" diễn ra ngày 25/10 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Báo Diễn đàn Doanh nghiệp  tổ chức.

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Khắc Kiên
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Khắc Kiên

Nền tảng tăng trưởng  

Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nhìn nhận, một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp ứng phó linh hoạt với khó khăn là số hoá quy trình sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động.

Tuy nhiên, phát triển kinh tế số là chặng đường dài, hiệu quả của hội nhập kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cũng như của các doanh nghiệp. Vì vậy, việc tiếp tục các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp là nội dung cấp bách. Đây chính là chìa khoá để thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, qua đó nắm bắt và tận dụng tốt hơn các cơ hội từ kinh tế số.

Dựa theo kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số cho 250.000 doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực, quy mô trong quá trình chuyển đổi số, theo Tổng Giám đốc Công ty CP MISA Đinh Thị Thuý, đơn vị đã phát triển nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS được phát triển theo mô hình hội tụ dữ liệu giúp quản trị mọi hoạt động cốt lõi bao  gồm tài chính – kế toán, marketing – bán hàng, quản trị nhân sự và văn phòng số... Cùng đó, MISA đã đưa vào triển khai nền tảng vay vốn tín chấp doanh nghiệp MISA Lending khi sử dụng có thể thực hiện vay vốn online 100% qua nền tảng MISA Lending mà không cần tài sản đảm bảo.

Mô hình hội tụ dữ liệu và kết nối linh hoạt với bên thứ 3 của Nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS. 
Mô hình hội tụ dữ liệu và kết nối linh hoạt với bên thứ 3 của Nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS. 

Tối ưu nguồn lực

Tổng Giám đốc Công ty CP Hanel Bùi Thị Hải Yến cho biết, năng suất lao động trong nền kinh tế số sẽ tăng gấp nhiều lần so với các phương thức đang áp dụng hiện nay, nghĩa là ở đó không chỉ tăng lên hàng chục phần trăm mà là hàng trăm phần trăm. Để doanh nghiệp Việt Nam đạt được điều đó, câu trả lời duy nhất chính là chuyển đổi số.

May 10 tiên phong áp dụng công nghệ tối ưu sản xuất kinh doanh. Ảnh: Khắc Kiên
May 10 tiên phong áp dụng công nghệ tối ưu sản xuất kinh doanh. Ảnh: Khắc Kiên

Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Ao Vua Nguyễn Mạnh Thản, Chính phủ áp dụng công nghệ số tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, nhưng đâu đó vẫn còn những hạn chế. Tuy nhiên, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, quan trọng nhất là xây dựng văn hoá doanh nghiệp. Cùng đó, cần phát triển văn hoá thực thi trong các cơ quan Nhà nước, cán bộ công chức; hoàn thiện thể chế chính sách, quy định pháp luật liên quan tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Nam Định Trần Xuân Ngữ kiến nghị, các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thông qua chuyển đổi số để giúp các doanh nghiệp rút ngắn thời gian thực hiện cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các văn bản chỉ đạo nên được cô đọng và chuyển thành các tài liệu số để dễ cập nhập.

Đánh giá vấn đề, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC),Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan cho rằng, cần đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh. Thông qua triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP, 19 nghị quyết chuyên đề, đổi mới trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công, phát huy vai trì của Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Ngô Hải Phan khuyến nghị, doanh nghiệp cần tổng hợp khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, TTHC là rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân. Đồng thời, tích cực cho ý kiến về các quy định, TTHC dự kiến ban hành trong các đề án, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và phương án cắt giảm, đơn giản hóa khi được Hội đồng tư vấn và các bộ, ngành gửi lấy ý kiến...

 

Để tiến hành chuyển đổi số hiệu quả, trong nền kinh tế số, doanh nghiệp cần tư duy lại mô hình kinh doanh. Đó là mô hình kinh doanh tập trung vào khách hàng; cung cấp dịch vụ và trải nghiệm tăng cường nhờ dữ liệu; xây dựng nền tảng và hệ sinh thái; thúc đẩy kinh tế chia sẻ, cho thuê và đi thuê; đặc biệt tự động hoá và dữ liệu sẽ dẫn dắt phát triển. Doanh nghiệp cần chuyển đổi số thông minh, đặt bài toán chuyển đổi số đúng để đảm bảo hiệu quả và thành công.

TS Nguyễn Trọng Đường - chuyên gia chuyển đổi số (Bộ TT&TT)