Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Số hóa thông tin thang máy, điều cần làm, phải làm

Đông Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Bộ Tiêu chuẩn cơ sở ngành thang máy được ban hành đánh dấu bước ngoặt quan trọng, giúp ngành thang máy nhanh chóng chuyển đổi số, hướng tới thị trường công khai, minh bạch” - Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Nguyễn Hải Đức chia sẻ.

Số hóa là bước đi cần thiết để ngành thang máy Việt Nam phát triển. Ảnh TT
Số hóa là bước đi cần thiết để ngành thang máy Việt Nam phát triển. Ảnh TT

Với tốc độ đô thị hóa nhanh, 20 năm qua đã có hơn 400.000 thang máy được lắp đặt và xu hướng sẽ tăng nhanh trong tương lai. Mặc dù, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6396-20:20217 về yêu cầu an toàn cấu tạo và lắp đặt thang máy - Thang máy chở người và hàng nhưng người sử dụng, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước,… vẫn thiếu những cơ sở quan trọng về an toàn trong sử dụng, bảo trì, sửa chữa thang máy. Điều này đòi hỏi cần có bộ Tiêu chuẩn cơ sở, chi tiết hóa các vấn đề liên quan đến đời sống đô thị hiện nay.

Vấn đề nóng tại các đô thị

Đến nay, dù thang máy không còn quá xa lạ với đời sống tại các khu đô thị, thành phố nhưng phần lớn người sử dụng không biết đến các khái niệm dịch vụ kỹ thuật thang máy, tuổi thọ thang máy, yêu cầu trình độ nhân viên kỹ thuật, độ rung, độ ồn…

Chính vì vậy, yêu cầu về quy hoạch, lập kế hoạch và xây dựng tiêu chuẩn cơ sở ngành thang máy đang trở nên cấp thiết cho chính người dân, các công ty kinh doanh lĩnh vực thang máy và các cơ quan quản lý nhà nước.

Tiêu chuẩn cơ sở ngành thang máy đầu tiên TCCS 01:2023/VNEA về “Yêu cầu an toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy” đã được Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) xây dựng, hoàn thiện và chính thức công bố.

"Hiệp hội Thang máy Việt Nam hướng tới thị trường công khai, minh bạch" - Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Nguyễn Hải Đức chia sẻ.
"Hiệp hội Thang máy Việt Nam hướng tới thị trường công khai, minh bạch" - Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Nguyễn Hải Đức chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị về công tác quản lý, vận hành và bảo dưỡng thang máy, Phó Trưởng Ban quản lý chung cư Vinhomes Skylake Bùi Quốc Hưng cho rằng: chi tiết hóa tiêu chuẩn kỹ thuật thang máy là việc cấp bách, rất nhiều công ty thang máy tranh thủ sự mập mờ cũng như sự thiếu hiểu biết của người dân đã “chặt chém” thiết bị thay thế khi bảo dưỡng.

Tại Vinhomes Skylake, trong thời gian gần đây đã phải thay thế nhiều công ty bảo trì, bảo dưỡng thang máy do hét giá trên trời, chưa hỏng cũng đề nghị thay.

Thực tế cho thấy, sau khi lắp đặt thang máy, chi phí bảo dưỡng hàng tháng chỉ dao dộng 20 - 25 triệu đồng/tháng cho 1 thang máy 7 - 8 điểm dừng. Nhưng chi phí thay thế linh kiện, thiết bị thang máy đã và đang là vấn đề lớn tại các khu đô thị, nhà dân, công sở.

Do chưa có hoặc có chưa đầy đủ các yêu cầu về an toàn trong sử dụng, bảo trì, sửa chữa thang máy, việc thay, không thay linh kiện chủ yếu viện dẫn đến các tiêu chuẩn quốc tế hoặc tiêu chuẩn khu vực (như ISO, EN) và/hoặc căn cứ vào tài liệu hướng dẫn sử dụng của các nhà cung cấp dịch vụ thang máy.

Bên cạnh đó, đơn giá nhân công bảo trì, sửa chữa thang máy được tính như thế nào cũng là vấn đề đang gây tranh cãi. Tại Việt Nam, thang máy chưa là ngành nghề được đăng ký tại Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội nên chưa có bảng lương chính thức, kéo theo mỗi đơn vị sẽ có cách tính khác nhau.

Mã định danh thang máy sẽ giúp hạn chế được tình trạng các công ty “làm giả, ăn thật” hướng tới một thị trường cạnh tranh sòng phẳng.
Mã định danh thang máy sẽ giúp hạn chế được tình trạng các công ty “làm giả, ăn thật” hướng tới một thị trường cạnh tranh sòng phẳng.

Số hóa, hướng đi tất yếu

Mặc dù đánh giá cao việc 1 hiệp hội nghề nghiệp mới 3 năm tuổi đã đứng ra đảm nhận công việc chuyên môn có độ khó cao, đòi hỏi phải tập hợp được nhiều chuyên gia giỏi tham gia nhưng Trưởng phòng Tổng hợp, Kế hoạch Phùng Quang Minh (Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) cho biết: "Bên cạnh tiêu chuẩn quốc gia, do cơ quan quản lý nhà nước ban hành, phần lớn các hiệp hội đều xây dựng riêng bộ tiêu chuẩn cơ sở nên việc VNEA ban hành bộ tiêu chuẩn cơ sở ngành thang máy không phải điều mới.

Cái mới nhất, được chúng tôi đánh giá cao là họ đã dám dũng cảm chuẩn hóa các chức danh nghề nghiệp, ban hành mã định danh thang máy, hướng tới công khai, minh bạch các khâu kinh doanh lĩnh vực này. Đây là điều không phải hội nghề nghiệp nào cũng làm được bởi không ít hội viên sẽ không thích điều này, dù đó là cái đích phải đến, nhiều nước trong khu vực đã triển khai".

Khi mỗi thang máy/thang cuốn được cấp một mã định danh duy nhất dưới dạng dãy số ID và mã QR Code đồng nghĩa nó sẽ được giám sát tất cả các giai đoạn trong vòng đời của thang, từ khâu sản xuất, lắp đặt, bảo trì, sửa chữa,... đến tháo dỡ/thay thế.

Bên cạnh các thông tin liên quan đến thang máy do hệ thống quản lý, công ty lắp đặt cung cấp, người sử dụng nắm được các vấn đề liên quan đến tình trạng thang máy như: thang máy gặp sự cố; thang chưa được kiểm định/ hết hạn kiểm định; nghi ngờ nguồn gốc xuất xứ linh kiện, thiết bị,...

TS Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội khẳng định: "Đây là bộ tài liệu chuyên môn, rất cần cho cơ sở đào tạo nghề của chúng tôi. Khi chúng ta mạnh dạn đi đầu số hóa, công khai minh bạch các công việc trong quản lý sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy; yêu cầu đối với chủ sở hữu, người sử dụng thang máy; yêu cầu đối với đơn vị chuyên môn; yêu cầu về trình độ nhân sự trong vận hành, bảo trì và sửa chữa thang máy thì người dân sẽ tin tưởng, hạn chế được tình trạng “làm giả, ăn thật” hướng tới một thị trường cạnh tranh sòng phẳng".