Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sở Kế hoạch & Đầu tư cần thể hiện rõ quan điểm với các dự án chậm trễ

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 23/5, Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo Sở Kế hoạch & Đầu tư cùng các sở, ngành liên quan về tình hình quản lý các dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn TP.

 Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc với Sở KH&ĐT
Theo Phó Giám đốc Sở Vũ Duy Tuấn, trên cơ sở cơ chế chính sách về quản lý đầu tư dự án, từ năm 2012 đến hết 2017, UBND TP đã chấp thuận triển khai 634 dự án có sử dụng đất, trong đó, 194 dự án được điều chỉnh và 118 dự án triển khai chậm.
Ngoài ra, trên địa bàn TP hiện có hơn 300 dự án triển khai chậm tiến độ đã được rà soát từ trước năm 2012, chủ yếu do vướng mắc về giải phóng mặt bằng, cần điều chỉnh quy hoạch theo quy hoạch chung, quy hoạch phân khu.
Từ đó, lãnh đạo Sở đề nghị HĐND, UBND TP sớm xây dựng cơ sở dữ liệu dự án đầu tư trên địa bàn Hà Nội đồng bộ với cơ sở dữ liệu quản lý đất đai (các dự án đầu tư sử dụng đất) do địa điểm đất là cố định, các thông số liên quan là các thông tin biến động phụ thuộc yêu cầu phát triển kinh tế xã hội từng thời kỳ. Sở cũng đề nghị TP xây dựng cơ chế phối hợp giữa các ngành trong quản lý dự án, tăng cường năng lực và giao trách nhiệm quản lý theo dõi dự án có sử dụng đất cho chính quyền cấp huyện.

Ghi nhận cố gắng trong công tác này thời gian qua và đánh giá một số hạn chế về vai trò quản lý của Sở KH&ĐT, Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà đề nghị Sở KH&ĐT phát huy tốt hơn vai trò tham mưu cho TP trong công tác quản lý các dự án đầu tư, làm sao vừa tạo điều kiện, hành lang thuận lợi cho các chủ đầu tư (CĐT) tiếp cận dự án nhanh nhất, vừa phải tăng cường giám sát việc chấp hành pháp luật của các CĐT. Đồng thời, Sở cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật, thường xuyên kiểm tra, giám sát và có tái giám sát, tái thanh tra với các dự án; tránh trường hợp sau các kết luận thanh tra, các quyết định xử phạt thì DN vẫn không thực hiện.

Với những vấn đề bất cập về cơ chế chính sách, vướng mắc thể hiện từ quá trình quản lý các dự án, Sở cần đề xuất TP tháo gỡ. “Nếu không quản lý chặt chẽ, không tham mưu kịp thời cho TP, thì có thể xảy ra các lỗ hổng, khiến nhà đầu tư có thể vi phạm pháp luật. Khi đó, có thanh tra kiểm tra vào, Sở cũng sẽ phải chịu trách nhiệm”, Phó Chủ tịch HĐND TP nêu rõ.

Trước mắt, Trưởng đoàn giám sát yêu cầu Sở KH&ĐT nhanh chóng hoàn thiện báo cáo, trong đó rõ các dự án chậm vì lý do gì, thể hiện rõ thái độ quan điểm của sở về hướng xử lý. Trong công tác giám sát, Sở cần tiến hành giám sát đến mức độ tối đa theo đúng luật, nếu khó khăn về cơ chế, về nhân sự thì đề xuất TP.

Sau thanh tra kiểm tra, Sở cần công khai danh mục các CĐT, dự án đang chậm tiến độ lên Cổng TTĐT của Sở và của TP, nhằm tạo công cụ đánh thức ý thức của các CĐT; nhằm tạo hành lang tốt nhất cho các CĐT nhưng cũng phải khẳng định được trách nhiệm, nghĩa vụ của nhà đầu tư với Nhà nước, để xuất hướng xử lý, có thái độ cụ thể và đề xuất TP thu hồi với các CĐT chây ì, những dự án chậm triển khai nhiều năm, không đủ năng lực tài chính.

“Sau đợt giám sát này, đoàn sẽ kiến nghị UBND TP xử lý với các dự án cũng như xử lý về trách nhiệm, vai trò của các cán bộ trong quản lý nhà nước”, Phó Chủ tịch HĐND TP khẳng định và đề nghị: Các sở, ngành cần tổng hợp các vướng mắc để đoàn giám sát phản ánh kịp thời với UBND TP, nhất là về phần mềm quản lý các dự án, kết nối với các ngành để kịp thời xử lý thông tin.
Riêng với Cục Thuế, cần đánh giá năng lực tài chính của các dự án chậm triển khai, vi phạm pháp luật; thể hiện rõ thái độ với các nhà đầu tư. Trên cơ sở đó, HĐND TP sẽ ra một danh mục gửi UBND TP về các dự án không đủ điều kiện tiếp tục triển khai.