Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sợ ngọt lưỡi, đắng lòng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiếc thẻ rỗng nhưng lòng chị dồn ứ bao nỗi lo. Anh đã tiêu xài những gì mà hết tiền? Tại sao lại phải gian dối?

Ba năm trước, tức là chỉ một năm sau ngày cưới, sau một đêm thức trắng, anh điện thoại cho chị, thú nhận đang mắc nợ rất nhiều. Các chủ nợ dọa nếu anh không thanh toán ngay, sẽ kéo đến cơ quan để đòi. Sợ bị kỷ luật, đuổi việc, anh cầu cứu chị. Chị hỏi vì đâu gây nợ, anh cúi gằm, lẩm bẩm: “Không ai biết được chữ ngờ. Anh dại quá rồi!”. Hỏi do đánh bài hay bị gái dụ, anh lắc đầu: “Đừng hỏi nữa! Mình anh biết được rồi. Nói ra chi khiến em đau? Anh sợ nhất là nhìn em khóc”. Chị tìm hiểu, được biết anh có tham gia cá độ đá banh, còn món nào khác nữa thì chị chưa nắm rõ. Anh xin lỗi, hứa hẹn, thề thốt, thậm chí ôm chân chị khóc lóc cầu xin. Chị hoang mang, suy sụp nhưng vẫn tìm cách chạy vạy trả nợ cho chồng. Tình yêu không cho phép chị làm khác. Ai không một lần lầm lỗi, thái độ thành khẩn, hối hận của chồng khiến chị tin chuyện sẽ không lặp lại.

Thế nhưng, anh vẫn tiếp tục vác nợ về nhà, dù tiền lương mình anh chi xài, không phải đưa chị đồng nào. Mấy lần anh cầm xe, chị phải chuộc. Anh nói cần tiền để ứng ra mua đồ cho cơ quan, nhưng chị đợi hoài không thấy anh trả. Chị nhắc, anh bảo lỡ xài thâm, lại ngon ngọt hứa hẹn. Mỗi khi chị nhắc lỗi lầm cũ, mong anh đừng tái phạm, anh lại thề thốt khiến chị bỏ qua. Anh thường than thở năm xui tháng hạn, gặp toàn chuyện không may, hao tiền tốn của. Nghe chồng thở ngắn than dài, chị lại mềm lòng. Chị vẫn tự nhủ, dẫu gì chồng mình cũng là người yêu thương vợ con, không như chồng người mở miệng là mắng chửi. Xa chồng, một mình nuôi con, chị vẫn không cảm thấy trống vắng vì anh luôn dành cho chị những lời dịu dàng. Anh trìu mến gọi chị là “Dê đen nhỏ xinh của anh”, anh thường nhắc chị ăn uống đầy đủ để luôn khỏe đẹp, anh nhắn tin hôn chị trong giấc ngủ, anh luôn miệng nói nhớ vợ con nhưng chưa thu xếp về được, anh không ngớt nói tội nghiệp chị thân cò lặn lội, hứa sẽ về bù đắp cho hai mẹ con...

Con đổ bệnh, mình chị đưa vào bệnh viện, túc trực ngày đêm. Tiền bạc đã hẻo, gặp lúc con đau ốm càng túng bấn. Dù chị không than trách nhưng gọi điện về anh tỏ ra băn khoăn, nhấp nhỏm như ngồi trên đống lửa khi nghe tin con bệnh. Anh bảo chị mượn tạm ai đó để trang trải tiền thuốc, chi phí sinh hoạt; khi về anh sẽ trả. Anh bảo chị nhắn tin số tài khoản để anh ra ngân hàng chuyển khoản. Chưa thấy chị nhắn, anh gọi điện giục. Anh lại bận việc, không ra ngân hàng được. Mấy ngày sau, anh hăm hở điện bảo sẽ gửi tiền nhờ một đồng nghiệp đi công tác ở Sài Gòn trực tiếp đưa cho chị. Nhưng, chuyến công tác cuối cùng... bị hoãn. Không gửi tiền được, anh tỏ vẻ áy náy, ray rứt. Dù chạnh lòng lắm, nhưng thấy chồng như thế, hỏi sao chị giận anh cho được. Có ai hỏi thăm, chị lại hồ hởi khoe những lời mát ruột mát gan chồng dành cho mình. Nhiều người ganh tỵ với hạnh phúc của anh chị, nhưng có người nửa đùa nửa thật: “Chị phải cảnh giác trước mấy cha đàn ông đĩ miệng. Ruồi sa hũ mật chết đuối lúc nào không hay!”.

Gần đây anh ngày càng ít về thăm nhà. Cơ quan anh ở Củ Chi cách Sài Gòn chỉ vài chục cây số mà có khi hơn tháng anh không về. Anh nói, lúc này công việc bận rộn vì người làm chung chuyển công tác. Hôm qua, thứ Bảy, anh về, nhà vui như hội. Anh hôn con, ôm siết vợ, xuýt xoa khi thấy chị ốm hơn, xanh hơn. Bao nhọc nhằn, tủi cực trong chị tan biến trong vòng tay và những lời ngọt ngào của anh. Chị tíu tít nói cười, hỏi chồng thích ăn món gì để nấu. Anh nựng con một lúc rồi vào phòng nằm xem ti vi, bấm điện thoại. Khi cơm canh đã được chị bày sẵn ra mâm, anh xin lỗi, bảo chị với con ăn trước, nhóm bạn mới gọi điện, anh có việc phải đi. Anh về, say bét nhè; tỉnh dậy, lại đi. Anh không đưa tiền cho chị trả người bạn như đã hứa. Chị sợ nếu nhắc, không khí gia đình sẽ mất vui. Đến đêm Chủ nhật, sáng ra anh lại trở lên cơ quan, chị mới hỏi. Anh bảo quên rút tiền trong thẻ, hứa ngày mai sẽ chuyển khoản về cho chị. Chị xuôi theo nhưng sợ anh lại nói dối để khỏa lấp như những lần trước, nên đòi lấy thẻ tự đi rút tiền. Anh miễn cưỡng đưa.

Kiểm tra tài khoản chỉ còn vài chục ngàn lẻ, chị đứng lặng, trái tim ê buốt. Vấn đề của chị không phải ở số tiền bảy triệu đồng hay 57.200đ, mà là việc anh tiếp tục giả dối, lấp liếm. Đêm về khuya, người xe hối hả, chị như dính vào chiếc máy ATM, không biết đi đâu, làm gì. Nhà cách không xa nhưng đường về như bít lối. Bất giác, chị nghe như ai gọi tên mình: “Hằng ơi! Khổ nữa rồi! Tội mày quá!”. Tiếng ai gọi hay tiếng gọi từ bên trong chị?

Chiếc thẻ rỗng nhưng lòng chị dồn ứ bao nỗi lo. Anh đã tiêu xài những gì mà hết tiền? Tại sao lại phải gian dối? Anh có đang mượn nợ bên ngoài nữa không? Anh lâu về nhà vì bận việc thật hay làm điều xấu nên ngại gặp chị? Anh cứ nói lời ngon ngọt yêu thương là thật lòng hay chỉ chót lưỡi đầu môi? Nghĩ tới mật mã thẻ ATM của anh là ngày cưới của hai người, chị bật khóc. Chị vẫn tin anh còn yêu chị, nhưng không thể hiểu tại sao anh để mặc chị một mình lo liệu, anh không quan tâm đến vợ con và cứ khuất tất, bất minh về tiền bạc. Bao nhiêu năm vợ chồng là bấy nhiêu thời gian chị mệt mỏi vì chữ tiền. Mỗi lần anh báo nợ, chị cứng rắn tuyên bố “ai gây ra thì tự giải quyết”, nhưng rồi chính chị lại gom góp tiền trả khi anh năn nỉ, van nài. Anh bảo, chị là người vị tha, nhân hậu, đẹp người đẹp nết, rằng diễm phúc nhất đời anh là cưới được người vợ như chị. Anh có cách nói để chị vì anh, vì mái ấm gia đình mà gánh gồng đến quên mình. Phụ nữ yêu bằng tai, và anh hiểu điều đó.

Chị nhắn tin bảo anh ra chỗ máy ATM để nói chuyện. Chờ hoài không thấy anh, chỉ có thằng cháu gọi điện bảo chị về, cho biết anh đã quay lên Củ Chi có công việc đột xuất. Chị bàng hoàng, rối bời. Anh có việc quan trọng thật hay sợ đối diện với hai chữ “vì sao” của chị? Chị liếc nhìn đồng hồ: 23g15.

Quay xe về, chợt chị thấy thương mình quá. Tần tảo làm ngày làm đêm trả nợ cho chồng, giờ chị định tích cóp cho kế hoạch sửa nhà, lợp mái và nâng nền để không bị dột trên xuống, ngập dưới lên khi mùa mưa đến. Anh đã xé toạc giấc mơ của chị. Điện thoại reo, nghe nhạc chuông, biết chồng gọi, chị vẫn không dừng xe nghe máy. Chị sợ nghe tiếng của anh, sợ thói sống giả, sợ ngọt lưỡi đắng lòng...