Sơ tán hơn 13.000 người dân ứng phó nguy cơ mưa lũ

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 6/11, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) suy yếu từ bão số 10 tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, suy yếu thành một vùng áp thấp và đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên.

Các địa phương đã sơ tán hàng vạn người dân đến nơi an toàn để phòng tránh nguy cơ mưa lũ do áp thấp nhiệt đới. Ảnh minh họa.
Số liệu quan trắc cho thấy, do ảnh hưởng của bão số 10 sau suy yếu thành ATNĐ, từ 19 giờ ngày 5/11 đến 5 giờ ngày 6/11, ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 70 - 150mm; riêng khu vực Quảng Ngãi, Bình Định phổ biến từ 100 - 200mm. Một số trạm lớn hơn như: Đức Phú (Quảng Ngãi) 265mm, Phổ Phong (Quảng Ngãi) 305mm, Đức Phong (Quảng Ngãi) 315mm…
Để bảo đảm an toàn trên biển, những ngày qua, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 49.884 phương tiện với 232.118 người, biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 10, ATNĐ để chủ động di chuyển vòng tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hiện, không còn tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm.
Các địa phương từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa đã tổ chức gia cố, di dời lồng bè và triển khai các biện pháp ứng phó với bão, ATNĐ, với 175.253 lồng, bè, tổng diện tích 11.967ha. Riêng tỉnh Phú Yên đã đưa toàn bộ 4.050 lao động trên các lồng bè lên bờ để đảm bảo an toàn. Đặc biệt, các tỉnh từ Quãng Ngãi đến Khánh Hòa đã rà soát, sơ tán dân trước khi bão, ATNĐ đổ bộ. Tổng số đã thực hiện sơ tán 3.393 hộ với 13.167 người dân. 
UBND các tỉnh, TP: Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đã có công điện gửi các sở ngành, địa phương triển khai ứng phó với bão số 10 và tình hình mưa lũ sau bão. Trong đó tỉnh Bình Định đã thực hiện cấm biển từ 17 giờ ngày 3/11; tỉnh Phú Yên cấm biển từ 9 giờ ngày 4/11; tỉnh Khánh Hòa cấm biển từ 11h ngày 4/11).
Hiện, các địa phương miền Trung đang chỉ đạo các lực lượng tiếp tục khắc phục hậu quả mưa, bão, giúp dân sửa chữa nhà cửa, khôi phục giao thông, lưới điện. Kiểm tra vận hành đảm bảo an toàn hồ chứa. Đồng thời, rà soát các khu vực xung yếu có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; thống kê, đánh giá thiệt hại; sẵn sàng ứng phó với nguy cơ từ ATNĐ.
Thông tin thêm từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, tính đến sáng 6/11, ngành điện lực đã khôi phục, cung cấp điện trở lại cho tất cả các tỉnh Duyên hải miền Trung từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa và 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên với tổng số là 1.044 xã. Hiện, còn mất điện cục bộ tại một số thôn bị ngập lụt, sạt lở. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang tiếp tục huy động các nguồn lực để kiểm tra và khôi phục cấp điện.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần