Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Sổ tay kinh tế]: Tăng tốc và kỳ vọng vào EVFTA

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được Ủy ban châu Âu thống nhất trình lên Hội đồng châu Âu ký (dự kiến là vào cuối năm 2018) và trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn đầu 2019.

Điểm lại quan hệ thương mại giữa Việt Nam - EU, trong 10 tháng năm 2018, quy mô tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam với EU tăng 11,0%, tương đương 4,3 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu với EU chiếm 11,7% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU 10 tháng chiếm 15,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, tăng trên 9,7% hay tăng 3,1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Tuy tốc độ tăng không cao, nhưng quy mô tuyệt đối thì tăng khá. Trong khu vực thị trường này, một số thị trường cụ thể có kim ngạch khá lớn (đạt trên 1 tỷ USD), như Hà Lan, Đức, Áo, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Bỉ...

Kim ngạch nhập khẩu chiếm gần 5,2% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam, tăng 12,0%, hay tăng 1,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Tuy tốc độ tăng về nhập khẩu cao hơn tốc độ tăng về xuất khẩu; nhưng quy mô tuyệt đối tăng lại thấp hơn và tỷ trọng trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam lại thấp hơn tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong các thị trường cụ thể của EU, những thị trường mà Việt Nam nhập khẩu lớn (trên 1 tỷ USD) có Đức, Italia, Ireland, Pháp...

Như vậy, Việt Nam ở vị thế xuất siêu lớn sang EU. Trong 10 tháng năm nay là 23,7 tỷ USD, tăng 1,9 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ xuất siêu so với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với EU lên đến 67,9%. Mức xuất siêu và tỷ lệ xuất siêu của Việt Nam với EU đã góp phần vào kết quả xuất siêu của cả nước trong 10 tháng năm 2018 (6.425 triệu USD, tỷ lệ xuất siêu đạt trên 3,2%).

Dự báo tác động của Hiệp định EVFTA đối với Việt Nam mang lại nhiều cơ hội cho DN Việt Nam như kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng thêm 4 - 6% và GDP tăng thêm 0,5%. Những ngành được lợi khi thuế suất nhập vào EU được giảm thiểu là: Thủy sản, dệt may, giày dép, hạt điều, cà phê, hoa quả nhiệt đới... Đây cũng là những ngành sẽ thu hút các nhà đầu tư đến từ EU; bên cạnh đó là các ngành dược phẩm, năng lượng tái tạo cũng sẽ thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên để khả năng đó thành hiện thực, còn phải có sự cải thiện nhiều hơn, nhanh hơn về cơ cấu, chất lượng tăng trưởng, cơ chế chính sách... Khi EVFTA có hiệu lực, bên cạnh những cơ hội cũng có nhiều thách thức phải vượt qua. Rõ nhất là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm, thân thiện với môi trường. Khắc phục tính gia công, lắp ráp, đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế trong nước tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ… Kiểm soát chặt hiện tượng mượn danh DN Việt Nam xuất khẩu để né thuế nhập khẩu vào các thị trường đang xảy ra chiến tranh thương mại.