Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Sổ tay kinh tế] Thay đổi để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút FDI tại Việt Nam, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Shim Won Hwan cho biết, từ 4 DN vào năm 2014, hiện đã có 35 DN Việt Nam là nhà cung cấp cấp 1 cho Samsung. Dự kiến vào năm 2020, con số sẽ là 50 DN.

Công ty TNHH 4P, Công ty CP Thiết bị bưu điện Postef, Công ty TNHH Điện - Điện tử Mê Trần hay Công ty CP Cơ khí điện tử Phú Thọ Hòa… là những cái tên mới nhất nhận được sự tư vấn cải tiến sản xuất của các chuyên gia đến từ Tập đoàn Samsung. Nhiều trong số các DN nhận được sự hỗ trợ trên đều đã trở thành các nhà sản xuất vệ tinh cho Samsung, ban đầu có thể là cấp 3, nhưng sau tăng lên cấp 2 và cả cấp 1.

Không chỉ Samsung, thời gian qua, một số DN FDI cũng khá tích cực trong phát triển các nhà cung cấp vệ tinh. Ví như các DN sản xuất ô tô, xe máy như Honda, Toyota…

Mối quan hệ đối tác giữa Nhựa Hà Nội và Toyota được thiết lập từ năm 2010, sau 2 năm Toyota thực hiện khảo sát đánh giá. Ban đầu, Nhựa Hà Nội chỉ cung cấp 2 - 3 linh kiện cho Toyota mỗi năm. Đến năm 5/2017, dưới sự hỗ trợ hướng dẫn của bộ phận chuyên trách riêng đến từ Toyota, Nhựa Hà Nội đã áp dụng mô hình 5S (Seiri - sàng lọc, Seiton - sắp xếp, Seiso - sạch sẽ, Seiketsu - luôn duy trì và Shitsuke - tự giác) như một điều kiện bắt buộc nếu muốn trở thành nhà cung cấp cho Toyota. Nhựa Hà Nội cũng đã cung cấp nhiều phụ tùng hơn cho Toyota. Riêng với dòng xe Vios thế hệ mới, số lượng phụ tùng Nhựa Hà Nội cung cấp đã tăng từ 3 lên 29 phụ tùng.

Có thể thấy, nếu DN FDI như Toyota, Samsung sẵn lòng hỗ trợ chuyển giao công nghệ, quy trình, mô hình quản lý cho nhà cung cấp, còn các DN Việt quyết tâm thay đổi, học hỏi thì Việt Nam vẫn có khả năng trở thành nhà cung cấp lớn cho các tập đoàn nước ngoài.

Ngoài sự chủ động của DN, cơ chế, chính sách phù hợp của Nhà nước trong phát triển khu vực tư nhân trong nước là rất quan trọng. Tổng kết 30 năm thu hút, sử dụng vốn FDI và chủ động chuyển hướng chính sách giai đoạn tới, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ tăng cường thu hút nhà đầu tư nước ngoài, DN FDI, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia liên kết với DN trong nước hình thành và phát triển cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị. Cùng với đó, sẽ tiếp tục thu hút FDI vào các ngành mà Việt Nam vẫn đang có lợi thế như dệt may, da giày... nhưng ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao, gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa. Hy vọng trong thời gian gần, DN Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu.