Không chỉ ảnh hưởng ngày một lớn đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế, dịch tả lợn châu Phi còn đang tác động nhiều mặt đến đời sống của hàng triệu hộ chăn nuôi.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng lây lan dịch bệnh với tốc độ nhanh chóng là một số địa phương chưa chủ động giám sát, chưa nắm bắt kịp thời thông tin dịch bệnh, chậm báo cáo, báo cáo thiếu chính xác và đặc biệt là chậm công bố dịch, thậm chí còn giấu dịch. Điều đó cho thấy tình trạng chủ quan, lơ là, thậm chí là thờ ơ, thiếu trách nhiệm, không nắm bắt kịp thời diễn biến dịch bệnh của các cấp chính quyền một số địa phương.
Chủ trì Hội nghị bàn giải pháp cấp bách khống chế dịch tả lợn châu Phi đầu tháng 3/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo “chống dịch như chống giặc” và các cấp chính quyền phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ khi để dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Phải chăng vì lo sợ trách nhiệm nên các cấp chính quyền một số địa phương đã giấu dịch?
Thậm chí người chăn nuôi tại một số địa phương cũng có tâm lý muốn giấu dịch. Bởi trên thực tế, số địa phương ban hành mức hỗ trợ lợn bị tiêu hủy khác nhau, thậm chí cao hơn giá bán thị trường giai đoạn đầu khi dịch mới xảy ra, dẫn đến có trường hợp người chăn nuôi bỏ mặc lợn bị mắc bệnh để nhận hỗ trợ. Trách nhiệm một lần nữa thuộc về chính quyền địa phương, khi đã thiếu sâu sát, thiếu thực tế trong xây dựng mức hỗ trợ lợn bị tiêu hủy cho người chăn nuôi.
Tại Hội nghị đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tổ chức ngày 13/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chỉ ra một loạt giải pháp trọng tâm cần triển khai. Một trong những giải pháp đầu tiên đối với các địa phương là cần chủ động phát hiện sớm, báo cáo và công bố dịch bệnh theo quy định, để kịp thời triển khai giải pháp ứng phó. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình che giấu dịch, vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường.
Chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua là rất quyết liệt. Tuy nhiên, hiệu quả xử lý đến đâu lại là trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương. Phòng, chống dịch tả lợn châu Phi là bài toán lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Chính vì vậy, đã đến lúc chính quyền các cấp cần nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc việc công khai dịch để người dân biết, chủ động các biện pháp phòng, chống. Bên cạnh đó, cần thiết phải có chế tài xử lý nghiêm lãnh đạo các địa phương để xảy ra tình trạng giấu dịch, thậm chí phải xử lý mạnh tay để tạo sức răn đe. Có như vậy, bệnh dịch tả lợn châu Phi mới sớm được khống chế thành công.