Dù đây là việc không ai mong muốn, nhưng đã truyền đi một thông điệp mạnh mẽ, cảnh tỉnh nghiêm khắc đối với những người làm công tác quản lý, lãnh đạo, nhất là những cán bộ cao cấp, phải hết sức cảnh giác với các biểu hiện suy thoái.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
“Không có vùng cấm trong việc xử lý kỷ luật để xây dựng Đảng”, với sự việc này, quan điểm ấy một lần nữa được khẳng định. Bởi những cán bộ liên quan đến sai phạm cần được xử lý nghiêm minh, bất kể người đó là ai, cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải chịu trách nhiệm về những vi phạm và hậu quả đã gây ra. Việc Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư đưa ra xem xét, xử lý kỷ luật về trách nhiệm người đứng đầu đã thể hiện sự nghiêm minh, quyết liệt chống tiêu cực. Cùng với sự việc này, vừa qua một loạt cán bộ về hưu vẫn phải chịu hình thức kỷ luật cũng giúp xóa đi quan điểm cho rằng về hưu là “hạ cánh an toàn”. Dù rằng việc xem xét, xử lý kỷ luật cá nhân, tổ chức vi phạm, kể cả những người giữ chức vụ cao, người về hưu hay còn đương chức là việc làm không ai muốn, có khi rất đau lòng, nhưng trong điều kiện hiện nay, đây là việc làm cần thiết, củng cố niềm tin của dân đối với Đảng.
Với vụ việc liên quan đến ông Đinh La Thăng, như thông tin của Ủy ban Kiểm tra T.Ư, trước đó, để có cơ sở đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng theo thẩm quyền, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã tập trung cao độ, thận trọng từng việc trong hơn 7 tháng liền để kiểm tra dấu hiệu vi phạm theo đúng nguyên tắc, quy trình, quy định của Đảng; xác minh, kết luận công tâm, khách quan, có lý, có tình. Bởi đây là vấn đề liên quan đến uy tín cán bộ, đến sinh mệnh chính trị của con người. Bộ Chính trị cũng dành nhiều thời gian thảo luận dân chủ, kiểm điểm nghiêm minh trên tinh thần đồng chí, tâm phục, khẩu phục. Ban Chấp hành T.Ư đã cân nhắc thận trọng nhiều mặt, có xem xét những đóng góp nhất định của ông Đinh La Thăng và thống nhất rất cao khi bỏ phiếu kỷ luật.Chính việc nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật để có những chủ trương, giải pháp hiệu quả đó không chỉ là quyết tâm chính trị của toàn Đảng, mà đó còn là điều mong mỏi và sự kỳ vọng của người dân. Và kỷ luật không phải chỉ cho xong, nhiều ý kiến thể hiện mong muốn rằng, qua đây tất cả cán bộ đảng viên và mọi người phải lấy đó làm gương để soi lại mình, để không bao giờ vi phạm. Đúng như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng vừa qua đã chỉ rõ: “Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình; không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình; trái lại, rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để cứu muôn người”.Và trên hết, qua những vấn đề này phải thấy đây là một bài học lớn, trong đó có bài học về công tác nhân sự, cần phải tự nghiêm túc xem xét thật đúng mức; bài học về kiểm soát quyền lực. Bởi như ý kiến đã nhận định, trong thời gian vừa qua, chúng ta đã giao cho một số cán bộ quản lý một khối lượng tài sản của cải vật chất rất lớn mà không kiểm soát. Giao quyền lực mà không đi kèm cơ chế kiểm soát là điều đáng phải suy nghĩ. Có thể nói rằng, sự cương quyết trong xử lý các sai phạm, đẩy lùi những yếu kém, tiêu cực, lợi ích nhóm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức đang thể hiện sự nghiêm minh của Đảng. Nhưng việc tìm nguyên nhân, ngăn chặn sự việc từ khi mới phát sinh, tránh những “ung nhọt” dù là nhỏ nhất, cũng là một vấn đề cần quan tâm và giải pháp thấu đáo.