Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sớm chấm dứt tình trạng đầu tư trạm xử lý nước thải nhưng chưa vận hành

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 23/8, đoàn giám sát của HĐND TP do Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân làm trưởng đoàn đã đến khảo sát Cụm sản xuất (CSX) tập trung làng nghề Tân Triều (xã Tân Triều) và làm việc với UBND huyện Thanh Trì về nội thực hiện quy định pháp luật trong hoạt động thu gom và xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp (CCN).

Hệ thống xử lý nước thải 10 năm chưa đi vào vận hành

Theo Phó Trưởng Phòng TNMT huyện Thanh Trì Nguyễn Mạnh Hiến, CSX làng nghề tập trung xã Tân Triều (làng nghề Triều Khúc) năm 2009 đã được TP công nhận là làng nghề dệt, trong đó 50.270,8m2 được phân thành 6 lô với 80 ô đất để đấu giá phục vụ sản xuất, với 1.000 lao động (65% là người địa phương), sản xuất đa dạng các ngành nghề.

Công ty TNHH Đầu tư và phát triển xây dựng được thuê một phần diện tích để xây nhà điều hành, trưng bày sản phẩm, bãi đỗ xe, trạm cấp nước sạch và giao một phần để trồng cây xanh; chịu trách nhiệm về vệ sinh môi trường (VSMT), điện chiếu sáng, vận hành trạm xử lý nước thải, trạm bơm cứu hỏa trong làng nghề. DN này đã phối hợp với các đơn vị đầu tư xây dựng trạm nước sạch, hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Trưởng Ban Đô thị HĐND TP phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Thanh Trì.
Tuy nhiên, hệ thống xử lý nước thải dù đã được hoàn thành xây dựng năm 2007 nhưng đến nay chưa vận hành để xử lý nước thải trong làng nghề, nên với nước thải trong quá trình sản xuất và sinh hoạt thì các DN tự xây dựng công trình xử lý trước khi ra môi trường. Việc quản lý khai thác của Công ty TNHH đầu tư và phát triển xây dựng trong làng nghề bị buông lỏng, dẫn đến vi phạm trật tự xây dựng, ô nhiễm môi trường làng nghề, nước thải sản xuất chưa được xử lý trước khi xả ra môi trường, rác thải không được thu gom thường xuyên... 
Do vậy, tháng 10/2016, UBND TP có quyết định chấp nhận Công ty CP kinh doanh xuất nhập khẩu Vạn Thuận nhận chuyển nhượng, thực hiện dự án đầu tư các nội dung: Xây hạng mục cấp nước sạch, nhà điều hành trưng bày sản phẩm, bãi đỗ xe, điện chiếu sáng, cây xanh, VSMT, vận hành trạm xử lý nước thải, trạm bơm cứu hỏa và quản lý CSX này.

Thực tế trong 4 làng nghề tại Thanh Trì, Triều Khúc có mức độ ô nhiễm môi trường cao nhất. Sau khi Công ty Vạn Thuận nhận bàn giao, UBND huyện cũng yêu cầu xây dựng toàn bộ tường rào bao quanh làng nghề, qua đó đã xử lý triệt để tình trạng đổ trộm phế thải trên các trục đường xung quanh; đồng thời đã giao UBND xã cùng Công ty này và các DN thường xuyên ra quân xử lý các chân điểm rác còn tồn đọng, tổng VSMT.

Dù vậy, vướng mắc hiện nay là từ tháng 11/2016, Sở TN&MT đã ban hành văn bản ghi vốn đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung kết hợp xử lý nước thải dạng mô-đun tại CSX làng nghề tập trung xã Tân Triều trong năm 2017, theo kinh phí được khái toán thực hiện là 44,5 tỷ đồng; tháng 12/2016, UBND huyện ban hành văn bản đề xuất nhu cầu vốn triển khai thực hiện dự án khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề với kinh phí này. Song đến nay, nội dung này chưa được triển khai thực hiện. Bởi vậy, để đảm bảo VSMT về lâu dài, huyện mong TP và các ngành liên quan sớm quan tâm đầu tư hệ thống xử lý nước thải cho làng nghề, giúp nước thải từ sản xuất được xử lý đúng quy định trước khi xả ra môi trường. Giám đốc Công ty CP kinh doanh xuất nhập khẩu Vạn Thuận Đào Việt Hùng cũng đề xuất huyện và TP tạo điều kiện đảm bảo VSMT, an ninh trật tự tại đây.

Triệt để xử lý vi phạm, tăng hiệu quả đầu tư

Ghi nhận cố gắng của Thanh Trì trong quản lý nhà nước, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, trong đó cả 2 CCN của huyện hoạt động ổn định, nằm trong quy hoạch của TP đều đã được đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống này, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân cũng cho rằng: Hạn chế lớn nhất của Thanh Trì trong công tác này là đầu tư chưa hiệu quả, vì huyện có trạm xử lý nước thải nhưng lại chưa được vận hành-là một trong hai địa phương tại TP có tình trạng này. Từ đó, hệ lụy là ô nhiễm môi trường gây ra từ sản xuất của các DN trong CCN đến giờ chưa được giải quyết, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Trong quản lý CCN cũng để xảy ra vi phạm về quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, một số cơ sở sản xuất biến tướng thành nhà ở, lấn chiếm hành lang..., đến nay chưa được xử lý triệt để. Ngoài ra, việc bàn giao CCN giữa chủ đầu tư cũ và chủ đầu tư mới còn nhiều vướng mắc, nên DN mới tiếp nhận chưa triển khai tốt kế hoạch đầu tư. Việc xác định chủ sở hữu với các DN trong cụm cũng xuất hiện tình trạng mua bán dự án mà chưa thống kê được...

Vì vậy, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP đề nghị huyện sớm đánh giá lại thực trạng quản lý CCN này, phân công cụ thể cho các phòng, ban, đơn vị và chính quyền địa phương; cùng chủ đầu tư mới tiếp quản đầu tư kinh doanh hạ tầng tại đây để có thể xử lý những tồn tại, đưa CCN từng bước hoạt động văn minh hiện đại. Đồng thời, huyện cần tăng cường quản lý nhà nước việc thực hiện quy hoạch chi tiết của cụm, kiên quyết phân loại các vi phạm để vận động các hộ kinh doanh, nếu không tự giác khắc phục thì cưỡng chế theo quy định pháp luật.

Đặc biệt, huyện cần tăng cường quản lý nhà nước về việc chấp hành quy định pháp luật trong phân cấp thực hiện thu phí bảo vệ môi trường (BVMT) tại các CCN nói chung trên địa bàn và CCN Tân Triều nói riêng.

“Đúng là Thanh Trì chưa quan tâm đúng mức vấn đề này, trong khi thu phí BVMT chính là tăng thu ngân sách và tạo điều kiện hoạt động cho các ban quản lý CCN, cũng để ngăn chặn vi phạm và tăng trách nhiệm của các chủ đầu tư, DN sản xuất. Muốn làm được việc này, huyện cần rà soát toàn bộ quy định pháp luật, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, có kiểm tra, kiểm soát. Thực tế nội dung này đã được TP chỉ đạo từ cách đây 3 năm”, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP nhấn mạnh và cũng đề nghị địa phương thường xuyên kiểm tra để DN chấp hành nghiêm quy định về BVMT, trong đó có đầu tư, vận hành hệ thống xả thải nội bộ trước khi xả ra môi trường.