Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sơn Tây nỗ lực giảm nghèo

Bài, ảnh: Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết quả sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy, thị xã Sơn Tây đã giảm 1,07% tổng số hộ nghèo. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương này vẫn ở mức 2,75% - con số khá cao so với mặt bằng chung toàn TP.

Là thị xã nhưng nông nghiệp hiện vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành kinh tế của Sơn Tây. Để hỗ trợ bà con nông dân phát triển sản xuất, từ năm 2016 đến nay, thị xã đã triển khai cung ứng 78.416kg lúa giống với mức giá thấp hơn thị trường từ 30 - 50% cho các giống năng suất cao, chất lượng tốt như: Thiên ưu 8, Bắc Thơm số 7, TBR 225… Tình hình chăn nuôi khó khăn khiến tổng đàn lợn và gia cầm trên địa bàn giảm tương ứng gần 20.000 con và 353.400 con so với cách đây 1,5 năm. Dù vậy, 875ha nuôi trồng thủy sản tiếp tục được địa phương giữ ổn định. Thị xã đang từng bước xây dựng, phát triển thương hiệu nông sản duy nhất tính đến nay là “Gà Mía Sơn Tây”.
 Mô hình chăn nuôi gà Mía mang lại giá trị kinh tế cao tại thị xã Sơn Tây.
Sau quá trình dồn điền đổi thửa khá thành công với 1.078,5ha (đạt gần 107,4% kế hoạch TP giao), Sơn Tây đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế chưa cao. Từ năm 2016 đến nay, toàn thị xã mới chỉ có 13 dự án chuyển đổi được phê duyệt với tổng diện tích khoảng 82,4ha. Tính đến nay, Sơn Tây có trên 100ha sản xuất rau xanh, trong đó, có 40ha rau an toàn tại phường Viên Sơn và hai xã: Sơn Đông, Xuân Sơn. Dù vậy, năng suất của các vùng sản xuất rau xanh nhìn chung còn thấp (hiện đạt khoảng 16 tấn/ha/vụ). Giá trị kinh tế trung bình mới dừng ở con số gần 200 triệu đồng/ha/năm.

Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh thẳng thắn nhìn nhận, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tại địa phương vẫn rất hạn chế. Thực tế đến nay, trên địa bàn thị xã mới có duy nhất một mô hình trồng rau công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 8.000m2. Trong khi đó, các mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp cũng còn rất yếu.

Sản xuất nông nghiệp chưa tạo được nhiều điểm nhấn là nguyên nhân khiến thu thập bình quân đầu người dân khu vực nông thôn tại thị xã Sơn Tây chỉ đạt mức khá khiêm tốn (35,8 triệu đồng/năm). Tỷ lệ hộ nghèo tuy có giảm, nhưng hiện vẫn còn 2,75%. Đặc biệt, có tới 4/6 xã trên địa bàn Sơn Tây chưa đạt tiêu chí hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới.

Để thực hiện được mục tiêu nâng thu nhập bình quân đầu người lên mức 37 triệu đồng vào cuối năm 2018, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Nguyễn Quang Sơn chỉ đạo các đơn vị phòng ban, UBND 6 xã chủ động phối hợp, triển khai các mô hình khuyến nông đang cho thấy tín hiệu tích cực như: Sản xuất hoa Chi Mai thế trồng chậu; nuôi cá rô phi giống mới; chăn nuôi gà Mía thả vườn theo hướng an toàn sinh học; trồng măng tây ứng dụng công nghệ tưới phun mưa… Tập trung phát triển thương hiệu gà Mía, tiến tới xây dựng thành công nhãn hiệu “Mật ong Kim Sơn”. Cùng với huy động, lồng ghép các nguồn lực nâng cấp hạ tầng phục vụ sản xuất, cần tranh thủ tối đa những chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn của TP. "Xây dựng nông thôn mới phải gắn với xây dựng công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị. Có như vậy, đời sống của người nông dân mới từng bước được cải thiện" - ông Sơn chia sẻ.