Công văn nêu rõ, DTLCP là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, có thể gây chết 100% số lợn mắc bệnh, hiện chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc xin phòng bệnh. Mặt khác, vi rút DTLCP có sức đề kháng cao, có thể tồn tại lâu ở ngoài môi trường. Đường lây truyền của vi rút bệnh DTLCP rất phức tạp, nhất là trong điều kiện mật độ chăn nuôi cao, chủ yếu nhỏ lẻ, vệ sinh thú y và an toàn sinh học chưa tốt.
Hiện, trên địa bàn TP, DTLCP đã xảy ra tại 24 quận, huyện, thị xã; làm mắc bệnh và tiêu hủy trên 500.000 con lợn. Việc tiêu hủy số lượng lớn lợn mắc DTLCP đã gây khó khăn trong việc bố trí quỹ đất, quản lý hố chôn và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sinh thái.
Trên cơ sở nghiên cứu ứng dụng phương pháp xử lý môi trường trong chăn nuôi và tiêu hủy lợn mắc DTLCP, Sở NN&PTNT Hà Nội thống nhất và đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã được lựa chọn thí điểm ứng dụng phương pháp xử lý môi trường trong việc chôn lấp, tiêu hủy lợn mắc DTLCP, xử lý rác thải tại các bãi rác, các trang trại chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học AT-YTB.
Trong công văn, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp cùng các ngành chức năng và chính quyền cơ sở thực hiện kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và hỗ trợ việc ứng dụng phương pháp xử lý môi trường trong chăn nuôi và tiêu hủy lợn mắc DTLCP bằng các chế phẩm sinh học AT-YTB.