Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự hài lòng của công dân là thước đo cán bộ, công chức

Bài, ảnh: Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian vừa qua, quận Hà Đông đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 và lấy sự hài lòng của công dân là thước đo chất lượng cán bộ, công chức (CBCC).

Xã hội hóa hỗ trợ dịch vụ công
Ngay sau khi TP Hà Nội triển khai DVCTT mức độ 3, quận Hà Đông đã chủ động triển khai kế hoạch kêu gọi các cơ quan, đoàn thể, DN xã hội hóa thực hiện DVC cho công dân như huy động các trang thiết bị, máy vi tính, đường truyền và ngày công tham gia.
 Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa quận Hà Đông.
Đến cuối tháng 2/2017, ngoài bộ phận Một cửa (BPMC), quận Hà Đông đã triển khai được 26 điểm giao dịch DVCTT mức độ 3 ở các khu dân cư trên địa bàn 17 phường. Tại BPMC quận đã có đủ máy tính, máy scan, máy bấm số thứ tự và đường truyền ổn định để tạo thuận lợi cho người dân đến giao dịch. Tất cả các điểm truy cập làm thủ tục hành chính (TTHC) DVCTT mức độ 3 đều có các đoàn viên, thanh niên của các phường thay phiên trực tiếp hướng dẫn công dân làm thủ tục.
Tại Vạn Phúc - địa phương có nhiều khách thập phương, du khách quốc tế tới tham quan, phường đã đặt 2 điểm truy cập internet làm TTHC. Từ khi thực hiện giải quyết TTHC mức độ 3 đến nay, địa phương đã thực hiện 278 hồ sơ giao dịch trực tuyến. Thời gian giao dịch trên môi trường mạng hay BPMC đều được thực hiện theo đúng quy định và chưa có trường hợp nào trả hồ sơ chậm, muộn.
Công dân đánh giá chất lượng cán bộ
Nhờ thực hiện minh bạch trong giải quyết TTHC nên năm 2016, Hà Đông chỉ có 0,01%, tương đương với 32 hồ sơ quá hạn do lỗi phần mềm. Trong 2 tháng đầu năm, tỷ lệ thực hiện TTHC DVCTT mức độ 3 đạt 92,87% ở cấp phường, đạt 100% tại quận.
Để giám sát được hoạt động của CBCC, tại BPMC, quận đã bố trí máy đánh giá mức độ hài lòng đối với từng người, bộ phận thực thi giải quyết TTHC. Sau khi thực hiện giải quyết TTHC, công dân sẽ đánh giá mức độ hài lòng đối với 6 cán bộ chuyên trách và các phòng ban giải quyết các TTHC ở lĩnh vực: Y tế, giáo dục, thu phí, tư pháp, LĐTB&XH, quản lý đô thị, nội vụ, TN&MT, công thương, KH&ĐT, tài chính, đăng ký kinh doanh, nông nghiệp, văn hóa thể thao. Nếu những đơn vị, cá nhân nào để hồ sơ quá hạn mà không báo cáo kịp thời, người thực thi giải quyết TTHC phải giải trình trước lãnh đạo và bị kiểm điểm.
Ông Đỗ Thế Hòa, ở phường Dương Nội, quận Hà Đông đến BPMC của quận thực hiện giải quyết TTHC liên quan đến đất đai, chia sẻ: Nhìn chung việc giải quyết TTHC được thực hiện theo đúng trình tự, nhanh chóng. Hồ sơ của công dân nếu chưa đầy đủ hoặc vướng mắc đều được CBCC giải thích, giải đáp cặn kẽ, giao tiếp ứng xử đúng mực. 
Trong khi đó, bà Lê Thị Hải, tổ dân số 7, phường Biên Giang chia sẻ: 10 năm trước, khi thực hiện các TTHC về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bà đã phải đi đến nhiều cơ quan mà không được việc. Nay, bà chỉ cần đến BPMC của phường là được giải quyết. Bà rất phấn khởi và thấy đây là một bước đổi mới rõ nét của cơ quan Nhà nước trong việc giải quyết các TTHC.
Theo ông Vũ Ngọc Phụng - Chủ tịch UBND quận Hà Đông: Quận đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm giờ giấc hành chính, đặc biệt gắn trách nhiệm đối với các cán bộ quản lý các phòng ban và phường. Nếu CBCC nào không hoàn thành nhiệm vụ sẽ xử lý nghiêm, tùy theo mức độ và vị trí công việc.