Sắp trình Bộ Chính trị xem xét Đề án mới về phát triển Kinh tế tập thể
Cuộc họp của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển KTTT sáng 20/11 |
Trước đó vào tháng 10/2019, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm triển khai Nghị quyết số 13 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ. Ban chỉ đạo tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hoàn thiện báo cáo tổng kết, trình Ban cán sự Đảng Chính phủ cho ý kiến trước khi trình Bộ Chính trị thảo luận, xem xét ban hành các chủ trương để phát triển KTTT trong giai đoạn tới.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh phải xác định rõ thực trạng và yêu cầu phát triển KTTT trong giai đoạn hiện nay. Mặc dù còn khó khăn nhưng KTTT đã thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài và có bước phát triển khởi sắc, nhất là trong 5 năm gần đây sau khi có Kết luận số 56 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 13.
Khoảng 50% hợp tác xã (HTX) phát triển hiệu quả, tạo thêm việc làm và thu nhập cho thành viên và người lao động và thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Phó Thủ tướng nhận định chất lượng hoạt động của hợp tác xã còn nhiều tồn tại; sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền địa phương đối với KTTT không đồng đều; quản lý nhà nước về KTTT còn yếu kém, chưa có hệ thống thông tin dữ liệu của lĩnh vực này,…
Về vấn đề luật pháp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ hợp tác xã và tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp là phổ biến và có đặc thù riêng vì gắn chặt chẽ với sử dụng đất đai và kinh tế hộ gia đình; đề nghị các bộ, ngành thảo luận xin ý kiến Bộ Chính trị về việc xây dựng Luật riêng về kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên cơ sở hệ thống pháp lý hiện nay.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị các bộ, ngành rà soát các quan điểm của Đảng về KTTT tại Nghị quyết số 13, bổ sung các ý nghĩa của kinh tế tập thể về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, có tác động quan trọng tới các chính sách xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội...
Nhà nước không bảo lãnh rủi ro cho mọi nhà đầu tư PPP
Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư giải trình trước Quốc hội ngày 19/11. Ảnh: VNE |
Dự luật đưa ra 2 cơ chế chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư trong hợp đồng PPP, gồm bảo đảm cân đối ngoại tệ và chia sẻ rủi ro doanh thu giữa Nhà nước - nhà đầu tư. Về cơ chế bảo đảm cân đối ngoại tệ áp dụng cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng.
Còn cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu, Chính phủ trình 2 phương án. Một là Chính phủ cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Phương án 2, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, do đây là dự án hợp tác công tư nên có trách nhiệm của Nhà nước trong chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư. Tuy nhiên, ông khẳng định, cơ chế chia sẻ rủi ro này không phải là bảo lãnh cho nhà đầu tư.
"Mục tiêu nhà đầu tư kinh doanh kiếm lợi nhuận, chứ không phải chờ thua lỗ nhận hỗ trợ, và việc này không áp dụng tràn lan và chỉ một số ít dự án", ông khẳng định.
Thảo luận trước đó, ông Hoàng Quang Hàm - thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách nói "bất hợp lý", khi cho phép doanh thu thực tế cao hơn hoặc thấp hơn phương án tài chính thì nhà đầu tư được tăng, giảm mức giá, phí sản phẩm dịch vụ hoặc rút ngắn, kéo dài thời hạn hợp đồng. Với các công trình trọng điểm, nhà nước còn bù phần hụt thu hoặc được chia thêm phần tăng thu.
Bà Vũ Thị Lưu Mai - Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách cũng băn khoăn về cơ chế chia sẻ rủi ro. Theo bà, khi nói đến PPP là nói đến hợp đồng, sự tự nguyện, cơ chế thỏa thuận nhà đầu tư lời ăn lỗ chịu theo đúng nguyên tắc thị trường. Nhưng quy định tại dự thảo luật cho phép nhà đầu tư tăng giá phí dịch vụ, kéo dài thời gian hạn thu phí, bà Mai nhấn mạnh "là ảnh hưởng trực tiếp tới người dân".
"Cần phải lưu ý đến phản ứng người dân ở các trạm thu phí BOT thời gian qua. Chưa kể, cơ chế này tác động trực tiếp đến ngân sách nhà nước, vì dự án chia sẻ rủi ro là quy mô lớn, dự án trọng điểm, Nhà nước chia sẻ 50% rủi ro thì bằng hình thức nào, nguồn ở đâu, tác động nợ công xử lý thế nào", bà Mai nêu.
Phân tích kỹ hơn, ông Đinh Văn Nhã - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách nói, với cơ chế chia sẻ rủi ro chưa rõ ràng sẽ dễ dẫn đến không công bằng, bởi không có cơ sở căn cứ chia sẻ 50-50 giữa Chính phủ và nhà đầu tư trong trường hợp hụt hoặc vượt doanh thu dự án.
"Chính phủ cần cân nhắc không nên chia sẻ phần tăng thu này mà có thể điều chỉnh giảm giá phí dịch vụ hoặc rút ngắn thời hạn hợp đồng. Chính phủ cần cân nhắc không nên "nắm nhỏ, bỏ to" mà cần "bỏ con săn sắt, bắt con cá rô" - là các nhà đầu tư lớn", ông Nhã gợi ý.
Chia sẻ thực tế này, ông Hoàng Quang Hàm nhận xét, bản chất dự án PPP là nhà đầu tư bỏ vốn ra với kỳ vọng thu được lợi nhuận. Vì thế, quy định đưa ra phải để nhà đầu tư thu lợi nhuận phù hợp, nhưng số tiền, tài sản Nhà nước bỏ ra hoặc người dân nộp là tối thiểu. Nhà nước cũng phải kiểm soát được chất lượng công trình tương xứng với số tiền nhà đầu tư được hưởng
VN-Index mất mốc nghìn điểm
Ảnh minh họa |
Theo một số chuyên gia, diễn biến tiêu cực của thị trường Việt Nam do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có khả năng theo chiều hướng tiêu cực. Lực cầu yếu do lo ngại đà giảm còn nới rộng, cùng với tâm lý giao dịch kém tích cực khiến sắc đỏ trở thành màu chủ đạo. VN-Index mất liền hai mốc hỗ trợ mạnh, xuống dưới 990 điểm.
Diễn biến có phần đồng điệu với xu hướng chung trên thị trường quốc tế. Chỉ số đại diện cho Sở HoSE mở cửa trong sắc đỏ và duy trì trạng thái này đến cuối phiên. Biên độ giảm giữ ở mức dưới 10 điểm trong phần lớn thời gian, nhưng bất ngờ gia tăng vào cuối phiên khi lực cung cổ phiếu đẩy nhanh vào phiên khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC).
Diễn biến đến cuối phiên tại sàn HoSE ghi nhận 193 cổ phiếu giảm, trong khi chỉ có 114 cổ phiếu tăng. Riêng trong rổ VN30, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (bluechip) không có mã nào giữ được sắc xanh, với 29 mã giảm và một mã giữ tham chiếu.
Cổ phiếu SAB của Sabeco đến cuối phiên giảm 5.300 đồng, MWG của Thế giới Di Động giảm 3.600 đồng, CTD của Coteccons giảm 2.900 đồng. Một số mã khác như VNM, VCB hay MSN đều giảm từ 2.000 đồng.
Thanh khoản hai sàn niêm yết đạt hơn 5.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận, thanh khoản chỉ còn hơn 4.000 tỷ.
Trong khi đó, các thị trường lớn tại châu Á cũng đồng loạt đi xuống. Chỉ số Hang Seng trên sàn Hong Kong mở cửa giảm 2,2%. Hai chỉ số lớn khác trong khu vực là Nikkei 225 (Nhật Bản) và Kospi (Hàn Quốc) cùng chìm trong sắc đỏ. Tại thị trường Trung Quốc, Shanghai Composite và Shenzhen Composite cũng giảm tương tự.
Đà giảm trên các thị trường lớn xuất hiện sau thông tin Mỹ và Trung Quốc có thể không đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn một, do cả hai bên đều có đòi hỏi quá cao. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua cũng cho biết trước báo giới rằng ông chưa sẵn sàng ký thỏa thuận với Trung Quốc, vì nước này không có thiện chí đàm phán như ông mong muốn.
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam sắp niêm yết sàn HoSE
Ảnh minh họa |
Số lượng cổ phiếu đăng ký niêm yết là 1,175 tỷ cổ phiếu, tương đương vốn điều lệ 11.750 tỷ đồng. Tổ chức tư vấn đăng ký niêm yết là CTCP Chứng khoán TP.HCM.
Đến thời điểm này, có 18 ngân hàng trên tổng số 31 ngân hàng thương mại cổ phần đã đăng ký giao dịch và niêm yết cổ phiếu, trong đó niêm yết trên sàn HOSE có 10 ngân hàng gồm VCB, CTG, BID, TCB, VPB, MBB, HDB, STB, EIB, TPB; trên HNX có 3 ngân hàng là ACB, SHB và NVB; 5 ngân hàng giao dịch cổ phiếu trên UPCoM là VIB, KLB, BAB, LPB và VBB.
Theo báo cáo tài chính vừa được công bố, trong quý III/2019, MSB tiếp tục ghi nhận những kết quả hoạt động kinh doanh khá tích cực.
Được biết, kết thúc 9 tháng đầu năm 2019, MSB đạt lợi nhuận trước thuế 1.064 tỷ đồng, tăng 267% so với cùng kỳ, riêng quý III đóng góp 497 tỷ đồng, tăng 2.223% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với đó, tỷ lệ cho vay trên tiền gửi đạt 72%, đảm bảo mức an toàn và tuân thủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ nợ xấu vẫn được duy trì dưới 3% theo quy định của NHNN.
Tính đến hết ngày 30/9/2019, tổng tài sản của MSB tăng 7,7% so với thời điểm cuối năm 2018, đạt hơn 148 nghìn tỷ. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 18,5% đạt 57.828 tỷ đồng, huy động tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá tăng 23% đạt 88 nghìn tỷ đồng.
Thu nhập của cán bộ nhân viên ngân hàng trong 9 tháng cũng được cải thiện với thu nhập bình quân đạt gần 24 triệu đồng/tháng, tăng 16,5% so với cùng kỳ.