Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự kiện kinh tế tuần: Tăng thuế VAT không tác động nhiều tới người nghèo

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định tác động của việc tăng thuế VAT với người nghèo không nhiều, 1.000 doanh nghiệp thực phẩm bị loại khỏi danh sách xuất khẩu vào Mỹ, Ngân hàng thương mại được cấp dịch vụ cho kinh doanh casino ... là tiêu điểm tuần qua.

Bộ Tài chính khẳng định tăng thuế không tác động nhiều tới người nghèo
 
Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 8, trả lời câu hỏi của báo chí về tác động của các chính sách tăng thuế dự kiến sẽ thực hiện, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã báo cáo về đề suất sửa đổi 5 luật thuế bao gồm một số luật thuế quan trọng như thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thu nhập cá nhân (TNCN), tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế tài nguyên...
Theo bà Mai, trước khi xin ý kiến rộng rãi về sửa đổi 5 luật thuế này, Bộ Tài chính đã báo cáo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Đồng thời, dẫn ra một số Nghị quyết với mục tiêu cơ cấu lại ngân sách để làm cơ sở cho việc tăng thuế.
Thứ trưởng phân trần: "Có nhiều ý kiến đóng góp về các luật thuế này nhưng chưa nêu đầy đủ. Trên thực tế, nhiều nội dung sửa đổi góp phần tạo thuận lợi, cải cách, ưu đãi cho người dân, doanh nghiệp".
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh thêm rằng: "Một số ý kiến báo chí nêu rằng, vấn đề điều chỉnh thuế suất VAT cần phải xem xét không chỉ điều chỉnh tăng thuế mà còn ở cả khía cạnh chi tiêu làm sao cho hiệu quả, chống tham nhũng. Tuy nhiên, để thực hiện tái cơ cấu, giảm nợ công, an toàn tài chính, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có quyết liệt thực hiện từ cơ cấu lại các khoản chi, đến nâng cao hiệu quả dự án đầu tư công".
Trước ý kiến cho rằng VAT khiến người nghèo và người có thu nhập thấp bị ảnh hưởng nhiều hơn, Thứ trưởng cho biết, có 25 nhóm hàng hoá dịch vụ không chịu thuế, 15 nhóm chịu 5%. Theo khảo sát mức sống từ năm 2014 do Tổng cục Thống kê thực hiện, nhóm thu nhập thấp nhất dành tới 59,6% thu nhập để chi mua lương thực, thực phẩm, y tế và giáo dục, trong đó nhóm thu nhập cao nhất chỉ dành 39,6% chi tiêu để mua những mặt hàng trên.
“Y tế và giáo dục thuộc đối tượng không chịu thuế, nhóm lương, thực thực phẩm thì người bán trực tiếp bán ra không chịu thuế mà chỉ thương mại bán ra mới phải chịu thuế ở mức thấp 5%. Nếu dự kiến tác động đối với người dân, đặc biệt người nghèo và thu nhập thấp do đó không nhiều”, bà Mai nói.
Bà cũng cho rằng, hơn nữa, đối với người nghèo và thu nhập thấp thì Nhà nước có chính sách như hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ y tế, giáo dục, xây nhà cho người nghèo…
1.000 doanh nghiệp thực phẩm bị loại khỏi danh sách xuất khẩu vào Mỹ
 
Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thông tin phản ánh thay đổi chính sách nhập khẩu của Mỹ .
Văn bản cho biết, trước đó, báo chí đã phản ánh nội dung, trong 7 tháng qua, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩn Mỹ (FDA) đã có 32 lệnh cảnh báo đối với doanh nghiệp Việt Nam có hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ, do doanh nghiệp không nắm bắt kịp thời, chưa thích ứng được với thay đổi chính sách nhập khẩu của Mỹ.
Đồng thời cũng có hàng loạt doanh nghiệp đang xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ đã bị loại khỏi thị trường do không kịp thời đáp ứng những quy định mới.
Về nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thường xuyên tìm hiểu, nắm bắt những thay đổi trong chính sách, quy định nhập khẩu của Mỹ và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến đầy đủ, kịp thời đến các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan để có biện pháp ứng phó hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Trong tháng 12/2016, có 1.845 nhà máy thực phẩm ở Việt Nam đăng ký với FDA để xuất khẩu vào thị trường Mỹ, nhưng trong tháng ​1/2017, con số này rớt xuống còn 806 nhà máy. Do có hơn 1.000 công ty Việt Nam không biết quy định mới này, đã không gia hạn đăng ký, nên rớt khỏi danh sách và hiện nay họ không thể xuất khẩu hàng vào Mỹ.
Ngân hàng thương mại được cấp dịch vụ cho kinh doanh casino
 
Theo đó, ngày 30/8/2017, Thống đốc NHNN – Lê Minh Hưng ký ban hành Thông tư 10/2017/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động kinh doanh casino.
Doanh nghiệp kinh doanh casino, cá nhân là người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp, giấy thông hành còn giá trị và nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam được phép chơi tại địa điểm kinh doanh casino.
Người Việt Nam được phép chơi casino thực thực hiện thí điểm theo quy định tại Khoản 3, Điều 12, Nghị định 03/2017/NĐ-CP ngày 16/1/2017 của Chính phủ về kinh doanh casino. Ngoài ra, các đối tượng áp dụng của Thông tư còn bao gồm: Các chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh casino.
Nội dung Thông tư quy định: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Phạm vi thu, chi ngoại tệ và các hoạt động ngoại hối khác của doanh nghiệp kinh doanh casino; Tài khoản chuyên dùng ngoại tệ; Quy định về ngoại tệ tiền mặt tồn quỹ; Nhận và sử dụng tiền trả thưởng của người chơi…
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 03/2017/NĐ-CP về kinh doanh casino, thí điểm cho phép người Việt Nam được chơi casino, tại các dự án dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino đáp ứng quy định của nghị định và được cấp phép. Thời gian thực hiện thí điểm là 3 năm, kể từ ngày doanh nghiệp kinh doanh casino đầu tiên được phép thí điểm. Sau 3 năm, Chính phủ sẽ tổng kết, đánh giá và quyết định có tiếp tục hay không.
Thủ tướng nhắc NHNN sớm báo cáo cơ chế huy động vàng, ngoại tệ trong dân
Tại họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 8/2017 diễn ra chiều tối 30/8, phóng viên đặt câu hỏi đến Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng về việc: “Bộ trưởng khẳng định năm nay có thể hoàn thành chỉ tiêu GDP 6,7%, vậy Bộ trưởng có thể phân tích chi tiết, tính hiện thực trong việc thực hiện chỉ tiêu này dựa trên cơ sở nào?”
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, Chính phủ vừa họp đánh giá khả năng thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 2017 để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 6,7% dựa trên cái gì.
Còn 4 tháng nữa sẽ hết năm 2017 nhưng để đạt tăng trưởng 6,7% thì nông nghiệp phải tăng trưởng được 3,05%. Rất mừng là vừa qua ảnh hưởng của mưa, bão, lũ gây thiệt hại với nông nghiệp đỡ hơn so với thiệt hại năm 2016. 
 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng.
Bây giờ đang vào mùa hạn của các tỉnh miền Trung nhưng đến thời điểm này việc tăng sản lượng thủy sản, chăn nuôi khá tốt. Mặc dù vừa rồi chăn nuôi có sự thăng trầm của giá thịt lợn nhưng rất mừng hàng hóa nông sản, hoa quả có sản lượng xuất khẩu rất tốt. Kịch bản đưa ra là xuất khẩu đạt 33 tỷ USD nhưng khả năng đến nay có thể đạt 35 tỷ USD.
Về công nghiệp phải tăng trưởng được 7,91%. Trong 8 tháng vừa qua, tăng trưởng về công nghiệp là 6,7% mặc dù so với cùng kỷ 2016 là 7,2% có thấp hơn. Dù khai khoáng giảm 6,9% nhưng sản xuất, chế tạo, chế biến tăng, cung cấp nước sạch tăng so với cùng kỳ. Riêng điện tăng 8,6%, cùng kỳ tăng 12,3%, như vậy là thấp hơn, nhưng thấp hơn là tín hiệu mừng vì năm 2016 thời tiết rất nóng nên tiêu thụ nhiều điện, còn năm nay thời tiết mát hơn nên tiêu thụ ít điện hơn.

Về du lịch, dịch vụ phải tăng trưởng được 7,19%. Trong 8 tháng vừa qua khách du lịch tăng, dịch vụ và sức mua của đồng tiền tốt hơn trong khi tăng vốn tín dụng cao hơn, lãi suất giảm, chi phí đáp ứng tiêu dùng giảm xuống. Tuy nhiên còn nhiều rào cản.

Vậy sự tăng trưởng này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thủ tướng chỉ đạo là đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tập trung đầu tư vào các dự án đang dở dang để đưa vào sử dụng hiệu quả, tiếp tục giảm lãi suất 0,5% từ nay đến cuối năm, tiếp tục tăng trưởng tín dụng đạt 21-22%. 

Tốc độ giải ngân vốn ODA, giải ngân vốn Ngân sách Nhà nước… trong những tháng cuối năm sẽ tốt hơn rất nhiều. Đặc biệt sẽ tập trung vào cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nhất là vấn đề thủ tục hành chính, rà soát 5.719 thủ tục kinh doanh, rà soát toàn bộ liên quan đến kiểm tra chuyên ngành của các bộ hiện nay. 

Bộ trưởng bày tỏ: “Nếu tháo gỡ được những rào cản này, bỏ được giấy phép con, giấy phép cháu thì chúng ta dứt khoát sẽ thành công nếu đảm bảo những điều kiện cho DN duy trì phát triển”. 

Số DN thành lập mới và phục hồi của 8 tháng là 104.000 DN (85.000 DN mới và 17.000 DN phục hồi). Quý I tăng trưởng GDP 5,15%, quý II đạt 6,17%, chung cả 6 tháng đạt 5,75%. Vậy 6 tháng còn lại của 2017 phải bảo đảm được tăng trưởng 7,42%. Mục tiêu này với quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, nhất là các bộ trưởng, các bộ chuyên ngành, các “tổng tư lệnh” đã được Thủ tướng giao rất rõ, nhất là các tỉnh, vùng trọng điểm công nghiệp.

Ví dụ như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bắc Giang… tập trung tăng trưởng các nơi này là tăng trưởng cả nước. Tăng trưởng này là sự tăng trưởng quyết định để bảo đảm cân đối dự toán ngân sách Nhà nước, bảo đảm vấn đề nợ công, nếu tăng trưởng tốt thì ta có dư địa để tăng khả năng thu hút đầu tư. Đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 khóa 12 liên quan đến DN tư nhân đang tập trung tất cả những điều kiện tốt nhất.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc lại: “Thủ tướng cũng nhắc lại với NHNN là báo cáo sớm với Chính phủ liên quan đến việc huy động nguồn lực tư nhân, trong đó có cả ngoại tệ, vàng… Cần báo cáo cả vấn đề về cơ chế chính sách, tạo ra thể chế để hút các nguồn lực đầu tư của DN trong và ngoài nước, nhất là DN tư nhân, cả vấn đề bán vốn, cổ phần hóa, phá sản các DN không hiệu quả, vấn đề giảm chi thường xuyên…”.

Tới đây sẽ báo cáo Hội nghị Trung ương 6 và báo cáo Bộ Chính trị về vấn đề tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, quyết tâm sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập bởi hiện nay chúng ta có khoảng 2 triệu/2,4 triệu viên chức được hưởng ngân sách Nhà nước, khoảng hơn 500.000 công chức, lượng cán bộ viên chức của các đơn vị sự nghiệp rất lớn. 

“Nói chung muốn tăng trưởng 6,7% là đồng bộ các giải pháp, các yếu tố để tăng trưởng, sẽ có những giải pháp rất cụ thể để thực hiện các mục tiêu, nhất là các bộ, các tỉnh phải thực hiện đồng bộ các việc này trong đó có vấn đề về kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu”, Bộ trưởng nói.
Ông chủ Zara lại "soán ngôi" giàu nhất thế giới
 
Amancio Ortega, người đồng sáng lập hãng bán lẻ Inditex, công ty mẹ của hãng thời trang Zara, hiện là người giàu nhất thế giới với khối tài sản nhiều hơn 200 triệu USD so với tỷ phú Bill Gates. Đây là lần thứ tư ông Ortega trở thành người giàu nhất thế giới.
Ông Ortega đã từng giữ vị trí giàu nhất thế giới 3 lần, nhưng mỗi lần ông chỉ giữ được vị trí đó trong một ngày.
Gần đây nhất, ông đã vượt qua tỷ phú Gates hôm 29/8, sau khi cổ phần của Inditex tăng hơn 1%. Nhưng vào cuối buổi chiều, ông đã bị người đồng sáng lập Microsoft bỏ lại phía sau với khối tài sản chênh lệch 100 triệu USD.
Tuy nhiên, theo Forbes, vào hôm 30/8, ông đã lại trở thành người giàu có nhất hành tinh với tổng tài sản hơn tỷ phú Bill Gates 200 triệu USD.
Theo bảng xếp hạng tỷ phú hiện thời trên thế giới của Forbes, ông Ortega, 81 tuổi, có khối tài sản ròng ước tính khoảng 85 tỷ USD. Tài sản của ông đã tăng thêm tới 1,2 tỷ USD trong tháng vừa qua, một phần là nhờ sự suy giảm của tỷ phú Gates và Jeff Bezos, những người từng giữ danh hiệu giàu nhất thế giới trong khoảng thời gian này.