Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Sự kiện kinh tế tuần] Tung gói tín dụng 250.000 tỷ đồng giúp doanh nghiệp qua bão Covid-19

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhận rõ ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19 tới đời sống kinh tế - xã hội, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp... Chính phủ tung gói hỗ trợ 280.000 tỷ đồng cứu doanh nghiệp

Chính phủ tung gói hỗ trợ 250.000 tỷ đồng cứu doanh nghiệp
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. 
Theo đó, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh CP
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương đề xuất chính sách tín dụng phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2019.
NHNN cũng được giao tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ, nhất là phí thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ hành chính công; trình ngay Thủ tướng Chính phủ quyết định cá biệt về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (dịch vụ Mobile Money).
Ngân hàng tung gói tín dụng 285.000 tỷ đối phó với Covid-19

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, hiện tại, các ngân hàng đã đăng ký tổng cộng 285.000 tỷ đồng để tung gói tín dụng lãi suất ưu đãi hỗ trợ khách hàng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi virus corona Covid-19.

 Ảnh minh họa

Theo ông Hùng, đa số các ngân hàng đều tham gia chương trình này, bao gồm 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước. Mức lãi suất tùy thuộc vào tình hình cụ thể của khách hàng và đơn vị bị ảnh hưởng để căn cứ, không có mức cố định. Bình quân, các tổ chức tín dụng sẽ giảm 0,5 - 1% so với mặt bằng lãi suất trên thị trường.

Cũng theo ông Hùng, một số ngân hàng tham gia với số vốn lớn là: BIDV đăng ký hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, Agribank 100.000 tỷ đồng, MB 35.000 tỷ đồng, ACB 15.000 tỷ đồng. Nguồn vốn cho chương trình này hoàn toàn đến từ các ngân hàng và không dùng nguồn ngân sách.

Công ty của tỷ phú Thái mua thêm 6 triệu cổ phiếu Vinamilk

Thông tin từ F&N Dairy Investments (cổ đông của Vinamilk), từ 3/2 đến 3/3 doanh nghiệp này đã mua gần 6 triệu trên tổng số đăng ký hơn 17,4 triệu cổ phiếu Vinamilk qua khớp lệnh và thỏa thuận.

Sau giao dịch, sở hữu của F&N tại Vinamilk đạt hơn 307 triệu cổ phiếu, tương đương 17,65% vốn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ngay sau đó, cổ đông này tiếp tục đăng ký mua thêm 17,4 triệu đơn vị, tương đương 1% vốn. Giao dịch dự kiến từ 6/3 đến 3/4.
Liên tục từ đầu năm 2018 đến nay, F&N Dairy Investments và Platinum Victory đã nhiều lần đăng ký mua 1% cổ phần của Vinamilk. Tuy nhiên, cả 2 cổ đông này đều ít lần mua được thành công. Lần gần nhất F&N Dairy mua thành công cổ phiếu Vinamilk là tháng 3/2018, còn lần giao dịch gần nhất của Platinum Victory là tháng 7/2018.
Xây dựng Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 316/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại".
 Ảnh minh họa

Mục tiêu chung của Đề án nhằm xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm để theo dõi, cảnh báo và hỗ trợ cơ quan điều tra về phòng vệ thương mại và các cơ quan liên quan trong việc điều tra, xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại trong và ngoài nước, giải quyết tranh chấp tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đảm bảo mục tiêu bảo vệ sản xuất trong nước, chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, hướng tới xuất khẩu bền vững.

Đề án đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025 sẽ hoàn thiện hệ thống hạ tầng, công nghệ thông tin, phần mềm phân tích và trang thông tin điện tử để vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm và để tính toán biên độ bán phá giá, biên độ trợ cấp và phân tích thiệt hại. Hoàn thiện và nâng cấp cơ sở dữ liệu để theo dõi các mặt hàng nhập khẩu đang bị Việt Nam điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, các mặt hàng có khả năng lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, các mặt hàng nhập khẩu có mức tăng đột biến, các mặt hàng nhập khẩu có dấu hiệu gây thiệt hại cho sản xuất trong nước, nhằm phát hiện và cảnh báo dấu hiệu lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đánh giá hiệu quả của biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng, nâng cao khả năng điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Phấn đấu đến năm 2025, bồi dưỡng đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ điều tra, ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại và giải quyết tranh chấp quốc tế về phòng vệ thương mại cho 1.000 cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên các cơ quan bộ, ngành và địa phương tham gia lĩnh vực phòng vệ thương mại nhằm tăng cường khả năng cảnh báo và hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực phòng vệ thương mại.