Sự kiện kinh tế tuần: Việt Nam và EU chính thức ký EVFTA

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam và EU chính thức ký EVFTA; Hàng loạt cơ quan vào cuộc vụ Asanzo; GDP 6 tháng đầu năm tăng 6,76%... là nội dung chú ý tuần qua.

Hiệp định EVFTA chính thức được ký kết tại Hà Nội

Chiều 30/6, tại Văn phòng Chính phủ, đại diện Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) chính thức ký hai hiệp định gồm Hiệp định Thương mại đầu tư (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký kết.

 Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cùng Bộ trưởng Bộ Môi trường kinh doanh, Thương mại và doanh nghiệp Romania, Đại diện Hội đồng EU Stefan-Radu Oprea và bà Cecilia Malmstrom, Cao uỷ Thương mại EU, ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu tại lễ ký, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng EVFTA và IPA sẽ như một “đường cao tốc quy mô lớn”, giúp đẩy nhanh tốc độ và quy mô hợp tác, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU. Thủ tướng cũng khẳng định Việt Nam cam kết hợp tác chặt chẽ với EU trong các vấn đề quốc tế và Liên Hợp quốc.

Sự kiện này là bước tiến lớn của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và cũng mang nhiều kỳ vọng phát triển kinh tế của Việt Nam. Thỏa thuận trong EVFTA được kỳ vọng sẽ xóa hơn 99% thuế nhập khẩu cho hàng hóa giao dịch, trong khi phần nhỏ còn lại sẽ nhận ưu đãi thuế quan theo hạn ngạch.

Theo thỏa thuận, Việt Nam sẽ giảm 65% thuế nhập khẩu đối với hàng EU ngay khi EVFTA có hiệu lực và phần còn lại sẽ được xóa trong giai đoạn 10 năm. Ngược lại hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được giảm hơn 70% thuế quan với thời gian để xóa thuế nhập khẩu còn lại là 7 năm.

Có thể thấy về lý thuyết, hàng Việt Nam vào EU bước đầu sẽ được cam kết tháo gỡ thuế quan nhiều hơn, trong khi thời gian để xóa thêm loại thuế này cũng ngắn hơn so với hàng EU vào Việt Nam. Phía EU nhận định rằng đây là cách tiếp cận bất đối xứng và thể hiện sự hỗ trợ đối với một thị trường đang phát triển như Việt Nam.

Sau khi ký, EVFTA sẽ chờ Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn và sẽ có hiệu lực ngay lập tức từ năm 2020. Trong khi đó quá trình phê chuẩn IPA sẽ mất nhiều thời gian hơn do đợi tiến độ từ tất cả các quốc gia thành viên EU.

Phát biểu tại lễ ký, Cao ủy về Thương mại của EU Cecilia Malmström ca ngợi Việt Nam và EU đã vượt qua chặng đường dài để đặt bút ký vào thỏa thuận EVFTA và IPA. Bà Malmstrom khẳng định chính những nỗ lực và sự hợp tác dài lâu của Việt Nam và EU đã hiện thực hóa hiệp định này, nêu rõ mong muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam để đạt mục tiêu phát triển bền vững, lấy tương lai làm trọng tâm.

Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

Sáng ngày 25/6, tại Hưng Yên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị Phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Sự kiện kinh tế tuần: Việt Nam và EU chính thức ký EVFTA - Ảnh 2
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, với 7 tỉnh, thành phố, bao gồm Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh của cả nước.

Vùng kinh tế có diện tích khoảng 15,6 nghìn km2 (chiếm 4,7% cả nước), dân số hơn 16 triệu người. Vùng kinh tế này chiếm gần 32% GDP của cả nước và thu nhập bình quân đầu người đạt 4.813 USD năm 2018, gấp 1,85 lần so với mức trung bình cả nước, đứng thứ hai sau vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Thủ tướng cho hay, trong thời gian qua, hạ tầng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ có những bước phát triển, bước tiến quan trọng và từ đó có nhiều chuyển biến trong các lĩnh vực khác. Ví dụ như thời gian di chuyển giữa các địa phương được rút ngắn, nguồn nhân lực tại các địa phương có nhiều tiến bộ. Điều đáng mừng hơn là trong một thời gian 7/7 tỉnh, thành phố trong vùng đều có điều tiết về ngân sách về Trung ương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các địa phương trong vùng kinh tế cần nhìn nhận một cách hết sức thẳng thắn, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc.

Trước hết vùng chưa phát huy hiệu quả những tiềm năng, lợi thế để tạo động lực mới cho phát triển. Năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn hạn chế. Sự liên kết giữa các địa phương trong vùng chủ yếu còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất.

Đặc biệt, cơ chế, chính sách phát triển vùng còn những bất cập, thiếu tính đột phá, chưa giải quyết được vấn đề chung của vùng như xúc tiến đầu tư, phát triển thương mại, du lịch, môi trường, phát triển đô thị, đảm bảo an ninh trật tự. Môi trường đầu tư kinh doanh giữa các địa phương trong vùng cũng chưa đồng đều, chỉ số cạnh tranh các tỉnh có sự chênh lệch lớn.

Theo Thủ tướng, nếu sớm giải quyết, tháo gỡ, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ sẽ phát triển nhanh hơn, nhiều hơn cho cả nước. Thủ tướng yêu cầu, chương trình đánh giá cụ thể những kết quả mục tiêu đã đề ra nhất là đánh giá những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm rút ra của các địa phương, của vùng.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, vùng kinh tế có dân số hơn 16 triệu người này đã làm được nhiều công trình, dự án quan trọng có tính chất liên vùng, một hướng đi tất yếu nhằm khai thác thế mạnh từng địa phương để tạo điều kiện, nền tảng phát triển nhanh hơn.

Tại Hội nghị, theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, các đại biểu sẽ tập trung bàn thảo các giải pháp để làm sao khu vực này trở thành một trong các vùng dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, nòng cốt tiên phong trong thực hiện các đột phá chiến lược, thực hiện tái cấu trúc kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, như mục tiêu Quyết định 198/QĐ-TTg của Thủ tướng đề ra.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019

Ngày 26/6, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2019 diễn ra tại Hà Nội. Chủ đề được chọn cho cuộc đối thoại thường niên giữa doanh nghiệp và Chính phủ năm nay là vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển nhanh gắn với bền vững.

Sự kiện kinh tế tuần: Việt Nam và EU chính thức ký EVFTA - Ảnh 3
Toàn cảnh Diễn đàn

Cộng đồng kinh doanh trong nước và nước ngoài đã gửi đi một thông điệp rất rõ ràng. Họ muốn không chỉ là một phần của nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, không chỉ là bộ phận sẽ tận dụng tối đa những cơ hội mà Chính phủ hành động đang kiến tạo, mà còn là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của kinh tế Việt Nam.

Đây là lý do nhiều ý kiến, khuyến nghị của cộng đồng kinh doanh tiếp tục đeo bám các đề xuất thúc đẩy mạnh hơn các cải cách thể chế, pháp lý, tăng tốc cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; dành ưu tiên nhiều hơn nữa cho đầu tư khoa học - công nghệ, nghiên cứu và phát triển (R&D), đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng thông minh, hạ tầng kỹ thuật số, để thúc đẩy và tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thực tế, nhiều nội dung trên chính là những cam kết mà Chính phủ đã đưa ra tại VBF 2018 (diễn ra vào tháng 12/2018) và trong nhiều cuộc đối thoại với doanh nghiệp. Cùng với đó, Chính phủ cũng cam kết tạo lập môi trường kinh doanh rộng mở, công bằng và chi phí thấp, tạo thuận lợi thương mại hơn nữa cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành, cũng như điện tử hóa các thủ tục hành chính...

Tuy vậy, tốc độ và chất lượng các nỗ lực cải thiện tiếp tục là điều mà cộng đồng kinh doanh muốn đẩy nhanh hơn, có kết quả thực chất hơn. Phải thẳng thắn, sự thành công hay thất bại, hiệu quả thấp hay cao, thậm chí là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ít hay nhiều, doanh nghiệp chọn cách kinh doanh chộp giật hay dài hạn... phụ thuộc rất lớn vào chất lượng thể chế, môi trường kinh doanh.

Hàng loạt cơ quan vào cuộc vụ Asanzo
Chiều 25/6, bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế... kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh về Công ty CP điện tử Asanzo.
 Ảnh minh họa
Cụ thể, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vụ việc báo chí phản ánh Công ty CP điện tử Asanzo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - phó trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia - giao văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia khẩn trương phối hợp với Bộ Công thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh về việc Công ty CP điện tử Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường trong nước, làm rõ các vi phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, ông Dũng yêu cầu Tổng cục Hải quan chủ trì phối hợp với Tổng cục Thuế và các đơn vị liên quan rà soát việc thực hiện quản lý nhà nước đối với việc nhập khẩu các sản phẩm sản xuất tại nước khác nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường trong nước.

Tổng cục Thuế rà soát báo cáo về công tác quản lý thuế và các nội dung liên quan khác đối với Công ty CP điện tử Asanzo gửi Tổng cục Hải quan trước ngày 10/7.
Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo cục hải quan, cục thuế các tỉnh, TP rà soát nhằm phát hiện các trường hợp tương tự và đề xuất các biện pháp thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, nợ đọng thuế, chống chuyển giá, trốn thuế, đồng thời xem xét trách nhiệm của các đơn vị để xảy ra tình trạng trốn thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước.
Tổng cục Hải quan chủ trì tổng hợp chung trình bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/7. Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết đã có chỉ đạo tất cả các đơn vị có liên quan trong bộ rà soát, đánh giá cụ thể về vụ việc Asanzo.
Theo đó, bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu các cục, vụ, viện có liên quan như Cục Xuất nhập khẩu, Cục Công nghiệp, Vụ Khoa học công nghệ, Vụ Thị trường trong nước, Tổng cục Quản lý thị trường... tiến hành kiểm tra, rà soát công tác quản lý nhà nước và chức trách, nhiệm vụ được giao trong vụ việc này.
Từ đó có những biện pháp cụ thể đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng, đồng thời bảo vệ môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện và báo cáo kết quả trong thời gian sớm nhất.
Trước đó, nội dung văn bản được Văn phòng Chính phủ gửi ba bộ Tài chính, Công an, Công thương nêu rõ Thủ tướng giao Bộ Tài chính - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia - chủ trì, phối hợp Bộ Công an, Bộ Công thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh về vụ việc các công ty thuộc Tập đoàn điện tử Asanzo Việt Nam nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam. Đồng thời làm rõ các vi phạm của tập đoàn này để xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.
Thủ tướng giao các bộ Tài chính, Công thương chỉ đạo cơ quan chức năng hải quan, quản lý thị trường rà soát việc thực hiện quản lý nhà nước và chức trách nhiệm vụ được giao trong vụ việc này, kiểm điểm trách nhiệm theo quy định pháp luật.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ Tài chính, Công thương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, báo cáo Thủ tướng kết quả trước ngày 30/7/2019.
PVN có Tổng Giám đốc mới
Ngày 26/6, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tổ chức triển khai công bố các quyết định bổ nhiệm ông Lê Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn giữ chức Thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc Tập đoàn.

 Lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trao quyết định

cho ông Lê Mạnh Hùng.

Quyết định bổ nhiệm ông Lê Mạnh Hùng được Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp kỳ hôm 20/6. Phát biểu nhận nhiệm vụ, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng khẳng định sẽ cố gắng hết mình phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Tân Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng sinh năm 1973 tại Hưng Yên, là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam từ năm 2013 đến nay.
Trước đó, ông Hùng đã trải qua các vị trí: Kỹ sư Công nghệ - Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; Kỹ sư Công nghệ - Tổng Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí; Chuyên viên Ban Chế biến Dầu khí - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Chuyên viên - Vụ Dầu khí, Văn phòng Chính phủ; Phó trưởng ban Chế biến Dầu khí - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Hóa dầu Long Sơn; Chủ tịch HĐTV Công ty Hóa dầu Long Sơn; Trưởng ban QLDA Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau; Tổng Giám đốc Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau; Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí.
Doanh nghiệp nhỏ được hỗ trợ kinh phí tư vấn pháp lý
Chính phủ tuần qua đã ban hành nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, có hiệu lực từ giữa tháng 8/2019. Theo đó, doanh nghiệp có thể tiếp cận mạng lưới tư vấn pháp luật theo lĩnh vực của các bộ, cơ quan ngang bộ và làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ chi phí dịch vụ tư vấn. Thông báo về việc đồng ý hoặc không đồng ý hỗ trợ sẽ được trả lời trong thời hạn 10 ngày làm việc từ lúc doanh nghiệp nộp đủ hồ sơ.
 Ảnh minh họa
Nghị định quy định doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ toàn bộ chi phí tư vấn theo văn bản thỏa thuận giữa doanh nghiệp và tư vấn viên, nhưng không quá 3 triệu đồng một năm. Doanh nghiệp nhỏ được hỗ trợ tối đa 30% chi phí và không quá 5 triệu đồng. Doanh nghiệp vừa được hỗ trợ tối đa 10% chi phí và không quá 10 triệu đồng một năm. Hồ sơ thanh toán chi phí gồm văn bản tư vấn pháp luật, văn bản đề nghị thanh toán và hóa đơn tài chính.
Các cơ quan, tổ chức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp quyết định thứ tự ưu tiên theo các tiêu chí như doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, sử dụng nhiều lao động nữ hoặc trên 30% lao động là người khuyết tật. Các hoạt động của chương trình hỗ trợ pháp lý gồm cung cấp, bồi dưỡng kiến thức pháp luật trong nước và quốc tế, giải quyết các vướng mắc pháp lý.

GDP 6 tháng đầu năm tăng 6,76%

Tổng cục Thống kê tuần qua đã công bố tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm. GDP 6 tháng năm 2019 ước tính tăng 6,76% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tăng trưởng quý II ước đạt 6,71%. Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng quý II và 6 tháng đầu năm thấp hơn cùng kỳ năm 2018, nhưng cao hơn giai đoạn 2011 - 2017.

 Ảnh minh họa

Theo cơ quan thống kê, kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng. Căng thẳng gần đây giữa các nền kinh tế lớn khiến thương mại và đầu tư thế giới cũng như niềm tin kinh doanh giảm sút.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,39%, đóng góp 6% vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 8,93%, đóng góp 51,8%; còn khu vực dịch vụ tăng 6,69%, đóng góp 42,4%.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14% GDP. Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34%; dịch vụ chiếm 42%. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10%.

Nửa đầu năm nay, cả nước có gần 67.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 860.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 21.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và 21.100 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn.

Trong nước, nền kinh tế cũng đối mặt không ít khó khăn, thách thức với thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng; ngành chăn nuôi gặp khó khăn với dịch tả lợn châu Phi ngày càng lây lan trên diện rộng.

Tính đến 20/6, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 18,47 tỷ USD. Số vốn giải ngân các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 9,1 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ 2018.

Nửa đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 245,5 tỷ USD, mức cao nhất của 6 tháng từ trước đến nay. Đáng chú ý là xuất khẩu rau quả có tín hiệu tăng trưởng tốt khi lần đầu tiên đạt mức trên 2 tỷ USD.