Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự kiện tuần qua: Trịnh Xuân Thanh nói lý do ra đầu thú

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đối tượng Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú; Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa không được chấp thuận thôi việc; Thủ tướng hoan nghênh Hà Nội xử lý sự việc ở phường Văn Miếu... là những thông tin được dư luận chú ý tuần qua.

Thủ tướng hoan nghênh Hà Nội xử lý sự việc ở phường Văn Miếu
“Tôi hoan nghênh TP Hà Nội đã đình chỉ công tác để kiểm điểm Phó Chủ tịch phường Văn Miếu”, Thủ tướng nhấn mạnh trong bài phát biểu mở đầu phiên họp Chính phủ ngày 3/8.
Sáng 3/8, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7/2017. Phát biểu mở đầu phiên họp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tháng 7 và 7 tháng năm 2017, lạm phát tiếp tục được kiểm soát; tín dụng tăng mạnh, được định hướng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Lãi suất ngân hàng giảm 0,5%; thị trường chứng khoán đạt điểm cao nhất trong 9 năm; xuất nhập khẩu tăng mạnh, gần 19%; giải ngân vốn đầu tư công đã tăng 1,8 lần so với tháng trước...
 Thủ tướng phát biểu mở đầu phiên họp Chính phủ.

Về xã hội, công tác an sinh xã hội, giảm nghèo được chú trọng. Làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ. Tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng. Các đoàn học sinh Việt Nam dự kỳ thi Olympic quốc tế các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh đạt kết quả xuất sắc.

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý một số mặt bất cập, tồn tại như công nghiệp chế tạo tăng trưởng nhưng công nghệ khai khoáng vẫn giảm sâu. Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn khi vẫn còn 43.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Một số chi phí, nhất là chi phí vận tải, logistics còn cao. Giải ngân tăng nhưng chưa đạt yêu cầu khi 7 tháng mới đạt 38,5% dự toán.

Dịch sốt xuất huyết lan rộng với trên 60.000 người mắc, trong đó gần 50.000 người nhập viện, đặt biệt có 17 người tử vong. Tình trạng cháy, nổ, tai nạn giao thông còn phức tạp, mà gần đây, xảy ra vụ cháy nghiêm trọng ở xã Đức Thượng, Hoài Đức (Hà Nội) làm chết 8 người.

Thủ tướng cũng nêu bất cập về hệ thống chính quyền cơ sở, nhất là cấp huyện, xã, chuyển biến chậm, nhũng nhiễu phiền hà còn nhiều, thủ tục hành chính còn rườm rà, chưa ngăn chặn hết tiêu cực, kỷ cương phép nước, kỷ luật hành chính chưa được thực hiện nghiêm ở một số cán bộ công chức.

“Tôi hoan nghênh TP. Hà Nội đã đình chỉ công tác để kiểm điểm Phó Chủ tịch phường Văn Miếu”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh, những vụ việc quan liêu, gây chậm trễ cần xử lý nghiêm.

Thủ tướng cũng nêu một số chủ trương còn triển khai chậm như việc chuyển một phần trong tổng số 5 triệu hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước…

Trước đó, liên quan đến sự việc chậm cấp giấy chứng tử tại phường Văn Miếu ngày 19/7, Hà Nội, ngày 26/7, UBND quận Đống Đa đã ra Quyết định số 3740/QĐ-UBND về việc tạm đình chỉ chức vụ, quyền hạn Phó Chủ tịch UBND đối với bà Nguyễn Thị Thúy Hà để phục vụ hoạt động kiểm tra, xác minh vụ việc.

Cũng liên quan đến sự việc trên, ngày 28/7, phát biểu tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm thực hiện Chương trình 08-CTr/TU của Thành ủy về cải cách hành chính (CCHC) và công bố kết quả Chỉ số CCHC năm 2016, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng: “Sự việc tại bộ phận Một cửa phường Văn Miếu những ngày qua cho thấy, mọi thủ tục liên quan đến tổ chức mai táng cho người dân phải được ưu tiên giải quyết ngay, và việc UBND phường đưa cán bộ hợp đồng làm tại “Một cửa” cũng sai hoàn toàn. Các cơ quan đơn vị khác trên toàn TP phải rút kinh nghiệm ngay, lấy đây là bài học sâu sắc”.

Bên cạnh đó, người đứng đầu chính quyền TP cũng lưu ý, người dân đang rất quan tâm đến tư thế, tác phong phục vụ của CBCC, từ trưởng, phó phòng đến, chủ tịch, phó chủ tịch quận, huyện, xã, phường cần sớm chấn chỉnh.

Ông Trịnh Xuân Thanh nói lý do ra đầu thú

Chiều 31/7, Bộ Công an cho biết, ông Trịnh Xuân Thanh đã đến trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đầu thú. Hiện, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã làm thủ tục tiếp nhận người phạm tội ra đầu thú theo đúng quy định pháp luật.
Trịnh Xuân Thanh nói về quyết định đầu thú, xuất hiện trong chương trình thời sự VTV1 tối 3/8​. Ảnh: Chụp từ clip VTV.
Trong chương trình thời sự 19 giờ của Đài truyền hình Việt Nam ngày 3/8, đã phát đoạn phim ghi cảnh ông Trịnh Xuân Thanh nói về việc đầu thú của mình tại Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an.

Theo đó, trong đơn xin đầu thú, có đoạn ông Trịnh Xuân Thanh viết: “Tôi thấy lo sợ trước kết luận về vi phạm của tôi và phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu trong thua lỗ của PVC. Do lo sợ, suy nghĩ không hết, tôi đã quyết định trốn tại Đức. Trong thời gian này, cuộc sống trốn tránh bấp bênh, luôn lo sợ. Được sự động viên của gia đình, bạn bè, tôi đã về Việt Nam và ra đầu thú tại cơ quan an ninh điều tra để được hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật”.

Trong phần trình bày trực tiếp với cơ quan an ninh điều tra khi ra đầu thú, ông Trịnh Xuân Thanh nói: “Trong quá trình đi trốn như thế, khi suy nghĩ lại tôi thấy cần phải về đối diện với sự thật”.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa không được chấp thuận thôi việc
Chiều 3/8, phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2017 đã diễn ra tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Tại họp báo, phóng viên đặt câu hỏi về việc: Vừa qua Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận kỷ luật cảnh cáo và đề nghị miễn nhiệm đối với Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa. Sau đó Thứ trưởng có đơn xin nghỉ việc. Chính phủ xem xét xử lý việc này như thế nào, việc xử lý tài sản ra sao?

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho hay, tại hội nghị lần 16, UB Kiểm tra Trung ương có đề xuất cơ quan thẩm quyền xem xét miễn nhiệm Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa. Thứ trưởng Kim Thoa thuộc quản lý của Ban Bí thư. Nếu Ban Bí thư đồng ý với đề xuất của Bộ Công thương thì các cơ quan chức năng sẽ thực hiện việc này.

Ngày 31/7, Ban cán sự đảng Chính phủ có nhận báo cáo của Ban cán sự đảng Bộ Công thương về việc Thứ trưởng Kim Thoa xin thôi việc, hiện Thủ tướng đang giao cho Bộ trưởng Nội vụ, Ban cán sự đảng Bộ Công thương xem xét đề xuất với Ban cán sự đảng Chính phủ.

Bộ trưởng nói: "Tuy nhiên, theo Luật Công chức và Nghị định 46 năm 2010 thực hiện luật này, khi cán bộ đang trong quá trình điều tra, đang trong quá trình xem xét kỷ luật thì không được thực hiện chấp nhận thôi việc. Chúng ta phải khẳng định như thế".
 Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa không được chấp thuận thôi việc

Về vấn đề tài sản, Bộ trưởng cho rằng, phải nói rằng nếu tài sản không có vi phạm pháp luật thì việc hình thành tài sản đó là chính đáng. Tất nhiên, Nhà nước sẽ không thu hồi tài sản nếu như tài sản đó được chứng minh hợp pháp. Vấn đề thu hồi tài sản hay không, hiện nay chúng ta chưa đặt ra mà các cơ quan kết luận, cơ quan điều tra sẽ xem xét việc này. Đề nghị các cơ quan báo chí trong thời điểm hiện nay cứ ghi nhận như vậy, đang trong quá trình xem xét đề xuất của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Khởi tố, bắt tạm giam ông Trầm Bê

Ngày 1/8, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46 - Bộ Công an) đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank), ông Phan Huy Khang (nguyên là thành viên hội đồng tín dụng, nguyên Tổng Giám đốc Sacombank). Cả 2 bị can cùng bị khởi tố về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Đây là những bị can có liên quan đến đại án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB) và đồng phạm.

 Khởi tố, bắt tạm giam ông Trầm Bê (Ảnh: Internet)

Trước đó (năm 2012) ông Trầm Bê tham gia vào HĐQT của Sacombank. Tháng 2/2017, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê tại Sacombank. Theo thông tin ban đầu, Trầm Bê đã tiếp tay cho Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc gửi tiền sang Sacombank bảo lãnh và trả nợ thay cho 6 công ty do ông Danh thành lập trên hồ sơ vay vốn tại Sacombank, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.800 tỉ đồng.

Lũ ống, lũ quét ở Sơn La, Yên Bái làm nhiều người chết và mất tích

Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua Bắc Bộ, nên ngày 2/8 khu vực Tây Bắc, Việt Bắc đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Theo báo cáo nhanh ngày 2/8/2017 của Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh: Bắc Kạn, Lai Châu và Điện Biên, mưa dông xảy ra từ 1 - 2/8 trên địa bàn các tỉnh đã gây thiệt hại cụ thể tính đến 11h ngày 3/8 : Đã có 4 người chết ( Yên Bái: 1 người, Sơn La: 3 người); 15 người mất tích ( Yên Bái: 8 người, Sơn La: 5 người, Lai Châu: 2 người).

Cầu Nặm Păm trên Quốc lộ 279D bị sập toàn bộ 2 mố cầu, cắt đứt giao thông nối Trung tâm huyện Mường La với các xã dọc sông. Ảnh báo Sơn La.

Về cơ sở vật chất đã có 83 nhà bị sạt lở, cuốn trôi ( Yên Bái 41 nhà, Sơn La 42 nhà). Về nông nghiệp: 5ha đất canh tác bị vùi lấp (Điện Biên: 3ha, Lai Châu: 2ha); 61 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi (Điện Biên: 2 con; Lai Châu: 59 con).

Đối với giao thông, mưa lớn đã làm sạt lở 25.889 m3 đường quốc lộ (QL 12, QL279B, QL 279C, QL 4H ở Điện Biên); 16.137 m3 đường tỉnh lộ (ĐT.150, ĐT.142, ĐT.143 ở Điện Biên: 7.137 m3; các tuyến đường đi các xã Ka Lăng, Thu Lũm, Tá Pạ, Pa Ủ, Vàng San, Nậm Khao ở huyện Mường Tè, Lai Châu: 9.000m3).

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân, huy động lực lượng tại chỗ giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả, ổn định đời sống; tổ chức xử lý tạm thời thông tuyến các đoạn đường bị sạt lở.