Số liệu "ảo"
Các công ty và CEO trên toàn thế giới đang nỗ lực đánh giá mức độ nghiêm trọng của suy thoái kinh tế Trung Quốc nhưng để có một kết quả rõ ràng là điều khó khăn.
Theo số liệu của Chính phủ Trung Quốc, tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giảm tốc hồi năm ngoái xuống mức thấp nhất trong gần ba thập kỷ qua. Các thương hiệu hàng đầu thế giới như Apple hay Caterpillar đã đổ lỗi cho sự yếu kém ở Trung Quốc dẫn đến thu nhập đáng thất vọng của những doanh nghiệp này.
Theo các nhà phân tích, tình hình có thể còn tồi tệ hơn so với số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc.
"GDP được công bố bởi Chính phủ Trung Quốc chỉ là đồ bỏ đi", CEO của hãng tư vấn China Beige Book, Leland Miller nói, "tất cả đều biết rằng những con số này là không đáng tin cậy".
Công ty của ông Miller đã thu thập dữ liệu từ hàng ngàn công ty thuộc các ngành công nghiệp khác nhau ở Trung Quốc để đưa ra bức tranh riêng về những gì đang xảy ra. Theo đó, nền kinh tế Trung Quốc hiện tại "yếu hơn rất nhiều" so với số liệu của Chính phủ Trung Quốc thông báo và mọi thứ khó có thể tiến triển trở lại trong thời gian sớm.
Việc đánh giá đúng mức độ của sự sụt giảm này sẽ là rất quan trọng đối với các doanh nghiệp nhằm đưa ra các quyết sách đầu tư và tuyển dụng, trong khi đối với các nhà đầu tư là ảnh hưởng đến nơi họ có thể đặt tiền của mình một cách an toàn.
Trung Quốc được cho là đang vật lộn với sự sụp đổ từ những nỗ lực của Chính phủ nhằm kiểm soát hoạt động cho vay nhiều rủi ro và cuộc chiến thương mại với Mỹ. Một số chuyên gia nghi ngờ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc - nơi báo cáo phần lớn dữ liệu của đất nước - đã cố làm cho Chính phủ trông ổn hơn là đưa ra phản ánh chính xác về tình trạng thực của kinh tế của nước này.
Theo ông Derek Scissors - nhà kinh tế trưởng tại China Beige Book, đồng thời là một học giả tại Viện Doanh nghiệp Mỹ ở Washington - rằng thật khó để xác định tốc độ tăng trưởng thực sự của Trung Quốc bởi rất nhiều dữ liệu của Chính phủ "vô giá trị". Chẳng hạn, không có sự kiểm chứng về những con số mô tả quy mô nền kinh tế so với thu nhập trung bình của công dân Trung Quốc.
Nhiều nhà phân tích khác cũng sử dụng các số liệu của riêng họ để phần nào xem xét nền kinh tế đang hoạt động như thế nào. Công ty nghiên cứu Capital Econom đã tiến hành kiểm tra một loạt dữ liệu, bao gồm vận tải đường biển, sản xuất điện và hỗ trợ tài chính để đưa ra một chỉ số đại diện. Dựa vào đó, nền kinh tế Trung Quốc có thể đã chỉ tăng khoảng 5% trong năm ngoái thay vì tỷ lệ được công bố là 6,6%.
Sức mua giảm, doanh nghiệp thoi thóp
Sự sụt giảm này đã gây ra sự ảm đạm đối với các doanh nghiệp Trung Quốc. "Nền kinh tế sẽ ngày càng tồi tệ hơn trong những tháng tới", Wei Bingyu, chủ sở hữu một nhà máy sơn công nghiệp ở Bắc Kinh cho biết. Ông đổ lỗi cho những khó khăn trong cuộc chiến thương mại và các vấn đề khác. Theo CNN, một cuộc khảo sát độc lập cũng đã được tổ chức nhằm đo lường tình trạng của khu vực sản xuất khổng lồ Trung Quốc thì kết quả cho thấy nó đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần ba năm qua vào tháng trước.
Hành vi của người tiêu dùng Trung Quốc cũng là một điểm đáng lưu ý. Theo dữ liệu công bố, chi tiêu của người mua sắm Trung Quốc đã tăng gần 10% trong năm ngoái, nhưng thị trường xe hơi khổng lồ của đất nước này lại giảm lần đầu tiên vào năm 2018 sau khoảng 20 năm. Doanh số bán lẻ trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tháng qua đã tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong hơn một thập kỷ trở lại.
Julian Evans Pritchard, chuyên gia kinh tế cao cấp của Trung Quốc tại Capital Econom, ước tính rằng chi tiêu của người tiêu dùng ở các khu vực đô thị lớn ở Trung Quốc đã giảm khoảng 3% vào năm ngoái, cho thấy những người mua sắm trung lưu nước này đang "thắt lưng buộc bụng".
Đây cũng là điều mà một số chủ doanh nghiệp phản ánh. Zhou Chang, chủ một phòng gym ở khu trung tâm Bắc Kinh, nói với CNN rằng khách hàng của anh đang giảm. Sử dụng phòng tập thể dục "không giống như ăn uống, quần áo, nhà ở hoặc đi lại...Đó là những nhu cầu buộc phải có, trong khi thể hình thì không hẳn". Khi nền kinh tế chậm lại, nhiều phòng gym vì thế đã phải tạm đóng cửa hoặc phá sản.
Chính phủ Trung Quốc trấn an rằng những lo ngại về suy thoái kinh tế đang bị thổi phồng. Trong một bài phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos hồi tháng trước, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn kêu gọi các nhà đầu tư ngừng lo lắng về nền kinh tế, rằng "sẽ có rất nhiều điều không chắc chắn trong năm 2019, nhưng một điều chắc chắn là sự tăng trưởng của Trung Quốc sẽ tiếp tục và bền vững".
Tuy nhiên các quan chức Trung Quốc lại cho thấy dấu hiệu quan tâm hơn. Theo CNN, họ cố gắng thúc đẩy tăng trưởng thông qua các biện pháp như cắt giảm thuế, chi tiêu cơ sở hạ tầng nhiều hơn và chính sách tiền tệ nới lỏng hơn. Các nhà phân tích cho biết vẫn chưa rõ các động thái này sẽ ngăn chặn được bao nhiêu đối với đà sụt giảm hiện tại bởi vì rất nhiều tiền đã được dành cho các doanh nghiệp quốc doanh vốn không mang lại hiệu quả thay vì khối tư nhân.
Nhiều công ty tư nhân ở Trung Quốc thường dựa vào nguồn "tài chính đen" - các hình thức cho vay mờ ám được giữ ngoài bảng cân đối chính thức của các ngân hàng - vốn bị các cơ quan quản lý siết chặt trong những năm gần đây.