Tuy nhiên, với tình hình thị trường bất động sản nói chung hiện nay có nhiều chuyển biến tích cực, phân khúc mặt bằng bán lẻ cũng bắt đầu đón nhận nhiều sự khả quan.
Trong cuộc họp báo công bố kết quả nghiên cứu thị trường bất động sản Hà Nội, ngày 2/4, CBRE đã cho hay về sự trở lại của hai trung tâm thương mại lớn Mipec Mall nay là Lotte Mart và Hà Nội Square, từng được biết đến với cái tên Hàng Da Galleria.
Đặc biệt, sự trở lại của Hàng Da Galleria không chỉ gây bất ngờ với tên mới mà còn bởi sự tái định vị về đối tượng kinh doanh, các tiểu thương, mặt hàng bán để hướng tới những khách hàng có thu nhập thấp hơn.
Trung tâm thương mại Hà Nội Square.
|
Cũng theo báo cáo của CBRE đến cuối quý I/2014, tổng diện tích bán lẻ cho thuê tại Hà Nội là 602.938m², tăng 5,8% so với quý IV/2013. Giá thuê trung bình toàn thị trường đạt 39,7 USD/m²/tháng, giảm 4,8% so với quý trước. Giá thuê giảm đối với cả hai khu vực trung tâm và ngoài trung tâm, với mức giảm lần lượt là 14,6% và 3,7%. Trong quý này, giá giảm tại cả dự án cũ và dự án mới mở, đặc biệt tại khu vực trung tâm.
Tỷ lệ trống toàn thị trường trong quý I/2014 ở mức 14,4%, giảm 1 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ trống của các trung tâm thương mại ở mức 15,1%, giảm 1,2 điểm phần trăm so với quý trước. Tỷ lệ lấp đầy tại các trung tâm mua sắm tổng hợp được cải thiện khi tỷ lệ trống còn 8,2%, giảm 15,3 điểm phần trăm so với quý trước. Các sảnh bán lẻ đã không đạt được công suất thuê 100% như năm ngoái do một số khách thuê đã thay đổi địa điểm thuê, dẫn đến tỷ lệ trống ở mức 8,5%. Các dự án mới gia nhập thị trường đã ảnh hưởng tới tình hình hoạt động chung của thị trường.
Theo đó, tỷ lệ trống tại khu vực ngoài trung tâm giảm 1,4 điểm phần trăm xuống còn 14,9%, trong khi đó tỷ lệ trống tại khu vực trung tâm tăng 3,1 điểm phần trăm xuống còn 10,3%.
Về xu hướng dịch chuyển khách thuê, trong quý 1/2014, có tất cả 196 khách thuê mở mới tại trung tâm thương mại trong khi 193 khách thuê đóng cửa. Nếu không tính trung tâm thương mại mới khai trương, số lượng cửa hàng đóng cửa nhiều hơn so với số lượng cửa hàng mở mới tại các trung tâm thương mại hiện hữu.
Trong quý này, ngoài dự án Lotte Mart, trung tâm mua sắm tổng hợp Robins thuộc Tập đoàn Central Group của Thái Lan cũng là một nhà bán lẻ lớn mới gia nhập thị trường. Trung tâm này nằm tại Vincom Mega Mall – Royal City, cung cấp các mặt hàng đa dạng từ mỹ phẩm, thời trang cho tới các sản phẩm gia dụng phù hợp với phần lớn nhu cầu của tầng lớp trung lưu. Một vài thương hiệu quốc tế lớn cũng được dự đoán sẽ gia nhập thị trường bán lẻ Hà Nội như McDonald’s và Starbucks. Hiện các thương hiệu này đều đã mở cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM và đạt được những thành công bước đầu.
Việt Nam đang đàm phán để được tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Sự kiện này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà bán lẻ trong nước và quốc tế. Thêm vào đó, dự kiến sẽ có một “làn sóng” các nhà bán lẻ đến từ Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc mở rộng hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Những chủ đầu tư lớn như Aeon Mall, Tập đoàn Central Group và Tập đoàn CJ đã bày tỏ sự tin tưởng vào tiềm năng phát triển mạnh mẽ của thị trường bằng cách mở rộng mạng lưới kinh doanh của mình cũng như đưa ra những kế hoạch phát triển lâu dài tại Việt Nam.
Một trong những tín hiệu tích cực đầu năm 2014 là chỉ số niềm tin người tiêu dùng tăng. Theo nghiên cứu của Nielsen, chỉ số niềm tin cuối năm 2013 tăng cao nhất trong 2 năm trở lại đây. Khi người tiêu dùng cảm thấy lạc quan về tương lai sắp tới, họ sẽ dành nhiều tiền hơn cho tiêu dùng, từ đó thúc đẩy nhu cầu cho ngành bán lẻ. Theo Việt Nam Report, một công ty nghiên cứu và tư vấn, bán lẻ đứng thứ 6 trong 10 ngành có mức độ sinh lời trên tổng tài sản cao cao nhất tại Việt Nam. Điều đó có thể là tín hiệu cho những bước phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực này trong thời gian tới.