Sửa đổi Luật Thủ đô: Xoá “điểm nghẽn”, tạo động lực cho phát triển “tam nông”

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được Quốc hội khoá XV đưa ra thảo luận. Trong dự thảo Luật, nhiều giải pháp nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế của nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được đề cập được kỳ vọng tạo chuyển biến mạnh mẽ cho “tam nông” Hà Nội.

Phát triển “tam nông” còn nhiều rào cản

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, trong những năm qua, đơn vị đã tham mưu, xây dựng nhiều quy hoạch chuyên ngành. Các quy hoạch này đều cần thiết để làm định hướng thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp.

Tuy nhiên, theo Luật Quy hoạch thì các nội dung quy hoạch chuyên ngành của Sở NN&PTNT Hà Nội đều là thành phần trong phương án quy hoạch và được nghiên cứu khi lập quy hoạch Thủ đô. Chính vì vậy hiện nay, các phương án quy hoạch của ngành NN&PTNT vẫn chưa được thông qua khiến phát triển “tam nông” Hà Nội gặp nhiều rào cản.

Mô hình trồng nho hạ đen mang lại giá trị kinh tế cao tại huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội).
Mô hình trồng nho hạ đen mang lại giá trị kinh tế cao tại huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội).

Báo cáo số 59/BC-BTP của Bộ Tư pháp ngày 28/2/2023 về đánh giá tác động chính sách Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đã chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế trong chính sách, pháp luật về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân ở Thủ đô. Một trong những nội dung được đề cập là thiếu chính sách, pháp luật mở đường cho việc đổi mới và phát triển các mô hình tổ chức kinh tế nông thôn, đặc biệt là các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Thứ nữa, pháp luật về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp hiện nay là rào cản đối với việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tổ chức sản xuất theo mô hình hiện đại, thông minh; sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi cung ứng, gây lãng phí trong việc khai thác sử dụng tài nguyên đất.

Bên cạnh đó, Luật Thủ đô năm 2012 trước đây cũng thiếu chính sách, pháp luật để thu hút, huy động nguồn lực xã hội cho phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại hoá nông thôn, bảo vệ môi trường nông thôn và xây dựng người nông dân đủ năng lực làm chủ được chu trình sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi cung ứng và thụ hưởng thành quả của ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn mới.

Động lực để “tam nông” phát triển

Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng và phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hoá tập trung, nông nghiệp sinh thái, thân thiện với môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ cao; ập trung sản xuất cây, con giống năng suất, chất lượng, giá trị cao cho cả nước.

Xây dựng nông thôn mới, xanh, hiện đại, gắn với phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch làng nghề giàu bản sắc văn hoá đặc trưng của Thủ đô. Đồng thời, xây dựng người nông dân Thủ đô văn minh, có kỹ năng, trình độ, là chủ thể xây dựng, thụ hưởng thành quả phát triển nông nghiệp, nông thôn. 

Đoàn công tác của nước Cuba thăm mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Mê Linh (TP Hà Nội).
Đoàn công tác của nước Cuba thăm mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Mê Linh (TP Hà Nội).

Để tháo gỡ khó khăn cho Hà Nội trong phát triển “tam nông”, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đề ra nhiều nhóm giải pháp nổi trội, đặc thù. Trong đó có thể kể tới các giải pháp thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế nông thôn; thu hút, khai thác, phát huy các nguồn lực.

Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được Quốc hội khoá XV đưa ta thảo luận cũng đề cập đến một loạt các giải pháp hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao đời sống của nông dân, người lao động tại các tổ chức kinh tế nông nghiệp. Cụ thể là thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu của từng đối tượng hình thành, hướng đến phát triển đội ngũ “công nhân nông nghiệp”…

ThS Nguyễn Văn Chinh - Nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp từng nhấn mạnh khi cho ý kiến vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về việc các cấp bộ ngành nên nghiên cứu, giao quyền cho Hà Nội được quyết định sử dụng đất ngoài đê sông Hồng để phát triển kinh tế nông nghiệp, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng đất màu mỡ này. Đề xuất cũng đã được ban soạn thảo ghi nhận, đưa vào dự thảo Luật.

Cụ thể, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đưa ra một loạt giải pháp nhằm khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn lực từ đất đai cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, dự thảo Luật giao cho Chính quyền TP Hà Nội được quyết định sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp ở bãi sông để sản xuất nông nghiệp sinh thái kết hợp tham quan, giáo dục trải nghiệm, du lịch trải nghiệm. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng được phép chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên đất trồng lúa sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và các hoạt động sản xuất nông nghiệp khác.

Hà Nội cũng sẽ được quyền quyết định việc góp quyền sử dụng đất, cho thuê quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong các trường hợp tập trung đất nông nghiệp để thực hiện sản xuất nông nghiệp; cho phép xây dựng trên đất nông nghiệp các công trình phụ trợ bán kiên cố phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, TP đang trong quá trình đô thị hóa, do đó nông nghiệp Thủ đô cần phát huy nguồn lực trí tuệ, khoa học công nghệ và tài chính để xây dựng các mô hình theo hướng liên kết, nâng cao giá trị.

Lãnh đạo TP Hà Nội chia sẻ luôn trăn trở làm sao để nông nghiệp Thủ đô phát huy được thế mạnh đặc trưng của Thăng Long - Hà Nội và có những bứt phá mới và trở thành điển hình của cả nước về khoa học, công nghệ, chất lượng sinh thái. Đồng thời bày tỏ quan điểm: không có lý gì ở một vùng đất đai màu mỡ, người dân chăm chỉ lao động, có thị trường tiêu thụ lớn, có nguồn lực đầu tư, có đội ngũ chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp mà lại không có sự bứt phá.

“Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi nếu được thông qua sẽ giúp tạo cơ sở pháp lý để Hà Nội xây dựng, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp. Bức tranh nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Hà Nội sẽ thay đổi một cách rõ nét và sớm trở thành hình mẫu lý tưởng về phát triển nông nghiệp gắn với đô thị hóa nông thôn.…” - Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh. 

 

Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị định hướng phấn đấu: "đưa Hà Nội trở thành địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc. Ưu tiên xây dựng vành đai xanh, bảo đảm môi trường sống. Chú trọng phát triển công nghệ giống, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch, gắn với phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển các sản phẩm làng nghề, nhất là các làng nghề truyền thống và các dịch vụ đặc trưng của Thủ đô”.