KTĐT - Kinh tế Trung Quốc vẫn vượt lên, trong bối cảnh hai nền kinh tế Mỹ và Nhật Bản còn đang đì đẹt.
Nhật Bản xuất hiện thêm dấu hiệu đáng lo về đà phục hồi, kinh tế Mỹ được đánh giá là thiếu lửa trong quý 3, trong khi sức mạnh của Trung Quốc vẫn hiển hiện với lĩnh vực sản xuất tăng mạnh nhất trong 6 tháng.
Lĩnh vực sản xuất tháng 10 của Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong vòng 6 tháng qua, một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế có thể chịu đựng được đà tăng giá mạnh hơn nữa của đồng Nhân dân tệ và lãi suất.
Theo công bố hôm 1/11 của Hiệp hội hậu cần Trung Quốc (CFLP), chỉ số sức mua (PMI) tháng 10 của nước này đã tăng từ 53,8 điểm lên 54,7 điểm, ngược hẳn với dự báo giảm xuống còn 52,9 điểm của giới phân tích. Đây là tháng thứ 20 liên tiếp, chỉ số sản xuất Trung Quốc đứng trên ngưỡng 50 điểm.
Bên cạnh đó, chỉ số về số lượng đơn đặt hàng mới cũng đạt mức cao nhất trong 6 tháng, khi tăng từ 58,2 lên 56,3 điểm, trong đó, riêng chỉ số đơn đặt hàng xuất khẩu mới, giảm nhẹ từ 52,8 điểm, xuống 52,6 điểm.
Theo kết quả khảo sát lĩnh vực tư nhân của ngân hàng HSBC, chỉ số PMI tháng 10 khu vực này cũng tăng từ 52,9 điểm trong tháng 9 lên mức 54,8 điểm. HSBC cho hay, đây là mức tăng hàng tháng mạnh nhất của chỉ số này kể từ tháng 4/2004.
Giới phân tích dự báo, Trung Quốc có thể duy trì tốc độ tăng trưởng 10% trong năm nay, thậm chí sau khi nước này đã nâng lãi suất vào tháng trước.
Sự tăng trưởng đầy bất ngờ của lĩnh vực sản xuất Trung Quốc và kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ bơm thêm tiền vào nền kinh tế, đã giúp đa số các thị trường chứng khoán châu Á bật mạnh trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 11, trong đó hai chỉ số Shanghai Composite và Hang Seng có mức tăng hơn 2%.
Trong khi đó, Nhật Bản đang có thêm những dấu hiệu về đà phục hồi đang bị triệt tiêu, khi số liệu mới nhất cho thấy sản lượng công nghiệp của nước này giảm tháng thứ 4 liên tiếp trong tháng 9 và giá tiêu dùng tiếp tục giảm sút.
Sản lượng công nghiệp của Nhật Bản trong tháng 9 đã giảm 1,9% so với tháng 8/2010, giảm mạnh hơn so với dự kiến ở mức 0,6%, trong đó giảm nhiều nhất là ôtô, hàng điện tử và các mặt hàng chế tạo khác.
Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trên là hoạt động trợ giá mua ôtô đã hết thời hạn và chính sự sụt giảm sản lượng ôtô là nhân tố chủ chốt khiến tổng sản lượng công nghiệp của Nhật Bản đi xuống, Hideki Matsumura thuộc Viện Nghiên cứu Nhật Bản, nhận định.
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản dự kiến, sản lượng công nghiệp của nước này sẽ tăng trở lại 1,7% trong tháng 11/2010. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, các nhà lãnh đạo đã quá lạc quan. Theo ông Matsumura, sản lượng công nghiệp của Nhật hiện vẫn phụ thuộc vào nhu cầu từ bên ngoài.
Cuối tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ công bố tăng trưởng GDP quý 3 của nước này là 2%. Mức tăng này được coi là dấu hiệu cho thấy, nền kinh tế đầu tàu thế giới vẫn thiếu lửa, không đủ giải quyết nạn thất nghiệp trong nước và không thay đổi được tâm lý chờ đợi của giới đầu tư trước cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Mặc dù, với mức tăng 2% chủ yếu nhờ chi tiêu tiêu dùng đi lên và tâm lý đầu tư được cải thện, kinh tế Mỹ cho thấy thêm các dấu hiệu tích cực, nhưng với tỷ lệ cứ 100 người lao động thì có gần 10 người phải chịu cảnh thất nghiệp, người tiêu dùng Mỹ vẫn phải thắt lưng buộc bụng và tác động xấu tới GDP của nước này.
Kinh tế Mỹ đã liên tục tăng trưởng trong bốn quý trở lại đây, song các mức tăng đều không đủ mạnh để "vực dậy" lĩnh vực việc làm trong nước.
Giới phân tích cho rằng, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, chính sách tiền tệ lỏng hơn của Mỹ sẽ khiến giá trái phiếu kho bạc của nước này giảm, thị trường chứng khoán Phố Wall ít thay đổi và đồng USD tiếp tục xuống giá so với đồng Yên Nhật.
Và ở chiều ngược lại, nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Nhật Bản sẽ tiếp tục hứng chịu thiệt hại từ hệ lụy đồng Yên tăng giá.