Các bên này coi đấy là biện pháp tăng cường trừng phạt Nga liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine. Biện pháp này và thời điểm bắt đầu áp dụng đã được EU và G7 quyết định từ trước đó. Nhưng sát tới thời điểm ngày 5/12/2022, EU mới nhất trí được trong nội bộ về mức giá trần áp cho xuất khẩu dầu mỏ của Nga là 60 USD/thùng (159 lít).
Hiện tại, giá dầu mỏ trên thị trường thế giới dao động từ 69 - 70 USD/thùng. EU dự định cứ sau 2 tháng lại xem xét quyết định lại mức giá trần này và nếu giá dầu mỏ trên thị trường giảm thì sẽ hạ thấp nữa mức giá trần. G7 và Australia cùng hội cùng thuyền với EU.
Mục đích của phe này là giảm khối lượng xuất khẩu dầu mỏ của Nga và giảm thu nhập của Nga từ xuất khẩu dầu mỏ để Nga cạn kiệt nguồn tài chính chi cho chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Tính toán của EU, G7 và Australia rất đơn giản. Theo Ủy ban châu Âu, thu nhập từ xuất khẩu khí đốt và dầu mỏ chiếm khoảng 45% thu ngân sách hàng năm của Nga, trong đó tỷ trọng của xuất khẩu dầu mỏ là 37%. EU tính rằng áp giá trần 60 USD/thùng sẽ động chạm tới 3 triệu thùng dầu mỏ của Nga hàng ngày và khiến Nga bị thiệt hại mỗi ngày 210 triệu USD, bởi Nga không thể tìm được thị trường xuất khẩu thay thế cho khối lượng dầu mỏ này.
Cách làm của EU, G7 và Australia cũng rất đơn giản. Họ cấm tất cả các đối tác nhập khẩu dầu mỏ của Nga với giá cao hơn mức giá trần kia và cấm tất cả các hãng vận tải biển, làm dịch vụ hậu cần và bảo hiểm phục vụ cho giao dịch xuất khẩu dầu mỏ của Nga với giá dầu mỏ cao hơn mức giá trần. Trong tính toán của EU, có đến 90% các hãng vận tải biển và bảo hiểm vận tải biển trên thế giới đóng trụ sở tại Mỹ và EU nên sẽ chịu sự chế tài của biện pháp này. Nga cần đội ngũ tầu chở dầu riêng, ít nhất 240 tầu chở dầu công suất lớn mà hiện tại Nga nhiều lắm thì cũng mới chỉ có 100 cái.
Trong thời gian trước mắt, biện pháp này gây thiệt hại trực tiếp cho Nga vì EU là thị trường xuất khẩu dầu mỏ lớn của Nga mà nước này rất khó tìm được thị trường thay thế. EU còn dự đinh sẽ cấm nhập khẩu tất cả các sản phẩm từ dầu mỏ của Nga từ sau quý I/2023. Càng chậm trễ với đối sách thích hợp thì Nga sẽ tổn hại càng nhiều.
Trong thực chất, biện pháp này của EU, G7 và Australia can thiệp trực tiếp vào thị trường dầu mỏ thế giới và chuỗi cung ứng toàn cầu về dầu mỏ, đi ngược lại nguyên lý cơ bản của kinh tế thị trường tự do và thương mại tự do. EU còn kỳ vọng áp giá trần như thế sẽ kìm hãm sự gia tăng của giá dầu trên thị trường, qua đó giúp EU khắc phục tình trạng giá năng lượng, giá tiêu dùng và tỷ lệ lạm phát hiện rất cao trong EU.
Trong phản ứng đầu tiên, Nga cho biết sẽ không bán dầu mỏ cho những khách hàng tham gia thực hiện biện pháp này của EU, G7 và Australia. Những đối sách tiếp theo của Nga sẽ là tìm kiếm khách hàng mới, cách vận tải mới và cơ chế bảo hiểm mới cho vận tải dầu mỏ xuất khẩu cũng như áp dụng ưu đãi đặc biệt như chiết khấu cao hay ký hợp đồng cung ứng lâu dài để giữ chân những khách hàng truyền thống lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ hay Ai cập. Nga cũng có thể ngừng xuất khẩu dầu mỏ khi giá dầu mỏ bị ép xuống mức quá thấp.
Việc tổ chức OPEC không có ý định gia tăng mức độ xuất khẩu dầu mỏ hàng ngày sau quyết định nói trên của EU cho thấy OPEC không ủng hộ biện pháp này của EU, G7 và Australia. Như thế rất có lợi cho Nga. Chỉ cần chịu đựng được thua thiệt trong thời gian nhất định sắp tới, giữ được khách hàng truyền thống và OPEC không tăng khối lượng xuất khẩu dầu mỏ hàng ngày, tức là vẫn hợp tác và phối hợp với Nga, thì việc áp trần giá dầu của EU, G7 và Australia đối với xuất khẩu dầu mỏ của Nga tuy khả thi nhưng sẽ chỉ đưa lại hiệu ứng hạn chế. Khi nhu cầu về dầu mỏ trên thế giới tăng trở lại thì giá dầu sẽ lại tăng và nguồn cung ứng trở nên khan hiếm thì cái phản tác dụng sẽ lộ rõ đối với các bên áp dụng biện pháp áp giá trần này.