Theo Sputnik, Đại sứ quán Nga tại Mỹ hôm 2/12 đã ra tuyên bố chỉ trích biện pháp áp trần giá với dầu mỏ Nga của Liên minh châu Âu (EU), nhóm G7 và Australia
Theo Đại sứ quán, việc các nước phương Tây thực thi chính sách giá trần với dầu mỏ Nga là trái nguyên tắc cơ bản của thị trường. Các nhà ngoại giao Nga cho rằng quyết định này chắn khiến thị trường năng lượng toàn cầu biến động và ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng.
Với tuyên bố trên, Moscow tin rằng nhu cầu đối với mặt hàng dầu mỏ của Nga trong thời gian tới sẽ không chịu nhiều tác động từ biện pháp của phương Tây.
Trước đó, Australia và nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đã cùng với EU nỗ lực áp giá trần 60 USD/thùng với dầu của Nga, một bước đi quan trọng nhằm ổn định thị trường dầu mỏ toàn cầu và cản trở dòng tiền của Moscow, được cho là phục vụ cho chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Theo tuyên bố của Australia và nhóm G7, mức giá trần này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 5/12 hoặc “ngay sau đó”. Tuyên bố cũng cho biết G7 đang thực hiện lời cam kết "ngăn chặn Nga thu lợi từ cuộc xung đột ở Ukraine, hỗ trợ sự ổn định trên thị trường năng lượng toàn cầu và giảm thiểu tác động kinh tế tiêu cực do cuộc chiến gây ra".
Châu Âu hôm 2/12 đã thống nhất ấn định mức giá trần mà các quốc gia khác trả cho dầu của Nga trước thời hạn 5/12, khi lệnh cấm vận của EU đối với dầu mỏ Nga vận chuyển bằng đường biển cũng như lệnh cấm bảo hiểm đối với những nguồn cung cấp đó có hiệu lực.
Giá dầu Urals của Nga được giao dịch ở mức khoảng 67 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 2/12.
Đánh giá về tác động tiềm tàng của việc áp trần giá dầu, The Economist cho rằng mọi thứ sẽ phụ thuộc vào phản ứng của Moscow, do trước đó Điện Kremlin từng nhiều lần cảnh báo sẽ cắt giảm sản lượng dầu, thậm chí là thắt chặt nguồn cung đối với thị trường thế giới.
Theo The Economist, Nga còn có thể dựa vào các tàu và công ty bảo hiểm không thuộc phương Tây để xuất khẩu dầu mỏ, tuy nhiên điều này có thể khiến giá dầu toàn cầu tăng vọt.
Các chuyên gia cũng nhận định “cán cân quyền lực” trên thị trường dầu mỏ sẽ trở nên rõ ràng sau ngày 5/12, thời điểm lệnh cấm vận dầu Nga của phương Tây có hiệu lực.
Trước đó Nga nhiều lần cảnh báo không cung cấp dầu và khí đốt cho các nước áp giá trần với mặt hàng này. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định đây là "hành động trái với các nguyên tắc quan hệ thị trường và có thể gây hậu quả nghiêm trọng với thị trường năng lượng toàn cầu".
Phát biểu với hãng tin Tass hôm 2/12, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Hạ viện Nga nói rằng EU đang gây nguy hiểm cho an ninh năng lượng của chính khối này.