EU chính thức chốt mức giá trần với dầu Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý về mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga, sau khi Ba Lan ủng hộ đề xuất này.

EU đạt được thỏa thuận về trần giá đối với dầu từ Nga ở mức 60 USD/thùng. Ảnh: Reuters
EU đạt được thỏa thuận về trần giá đối với dầu từ Nga ở mức 60 USD/thùng. Ảnh: Reuters

Sputnik hôm 2/12 dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Czech, quốc gia đang giữ chức chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) cho biết đại sứ các nước thành viên liên minh đã đạt được thỏa thuận về mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu mỏ Nga.

Trước đó, Ba Lan đã phản đối mức đề xuất khi xem xét một cơ chế điều chỉnh để giữ mức trần dưới giá thị trường.

Phát biểu với báo giới, Đại sứ Ba Lan tại EU Andrzej Sados cho biết, nước này đã ủng hộ thỏa thuận của EU, trong đó có cơ chế giữ trần giá dầu thấp hơn ít nhất 5% so với giá thị trường.

Đại sứ Sados nói thêm, EU sẽ đưa ra một quyết định chính thức đối với thỏa thuận áp trần giá dầu Nga vào ngày 4/12.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhận định mức giá trần "sẽ giúp ổn định giá năng lượng toàn cầu, mang lại lợi ích cho các nền kinh tế mới nổi trên thế giới".

Trong khi đó, John Kirby - người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ nói Washington hoan nghênh trước thông tin các nước thành viên EU thông qua được thỏa thuận áp mức trần giá bán đối với dầu mỏ Nga.

Theo Tass, trong một tuyên bố đưa ra ngày 2/12, Bộ Tài chính Mỹ tin rằng mức trần giá 60 USD sẽ đủ để Nga tiếp tục cung cấp dầu cho thị trường toàn cầu. Theo Bộ Tài chính Mỹ, Nga có thể bán dầu của mình dưới giới hạn này hoặc "dựa vào các nhà cung cấp dịch vụ không thuộc G7, vốn có quy mô hạn chế, đắt hơn và kém tin cậy hơn".

Theo kế hoạch của châu Âu, phối hợp với Mỹ, G7 và các đồng minh phương Tây khác, nếu giá thị trường của dầu Nga giảm xuống dưới 60 USD/thùng, giá trần sẽ được hạ xuống tới khi thấp hơn 5% so với giá thị trường.

Trước đó, Nga cảnh báo không cung cấp dầu và khí đốt cho các nước áp giá trần với mặt hàng này. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định đây là "hành động trái với các nguyên tắc quan hệ thị trường và có thể gây hậu quả nghiêm trọng với thị trường năng lượng toàn cầu".