Đó là nội dung được đề cập tại dự thảo quyết định của Thủ tướng về tách Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để thành lập công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Đây là bước đầu trong quá trình 2 bước để đưa A0 về Bộ Công Thương theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, sau khi tách khỏi EVN, A0 sẽ chuyển thành Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO) 100% vốn Nhà nước, cung cấp dịch vụ điều độ và điều hành giao dịch thị trường điện.
Công ty này thu chi phí mua dịch vụ điều độ, điều hành giao dịch thị trường điện và lợi nhuận định mức từ EVN, qua cơ chế hợp đồng cung cấp dịch vụ. Cách xác định các chi phí này sẽ do Bộ Công Thương đảm trách hướng dẫn. NSMO sẽ có vốn điều lệ 776 tỷ đồng sau khi tách khỏi EVN, gồm 630 tỷ đồng vốn chủ sở hữu (tính tới cuối tháng 6/2023) và 146 tỷ đồng tại các dự án đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường phát điện cạnh tranh chưa được quyết toán và dự án đang đầu tư năm 2023.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, mức vốn này đảm bảo A0 sau khi tách khỏi EVN hoạt động bình thường, vận hành ổn định, liên tục và không ảnh hưởng tới các dự án đầu tư dở dang năm 2023. Tuy nhiên, cơ chế tài chính cho A0 từ thời điểm tách khỏi EVN, cũng như kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm sau thành lập, vốn điều lệ và biện pháp tạo vốn lưu động chưa được Bộ Công Thương hoàn thiện theo yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ.
Do đó, Ủy ban Quản lý vốn cho rằng, Bộ Công Thương cần sớm hoàn thành cơ chế tài chính tạo nguồn thu cho A0 và sửa các văn bản pháp luật liên quan. Về phương án xử lý tài chính, hiện EVN đang cấp vốn vay cho A0 qua 2 khoản vay thuộc hiệp định vay của Ngân hàng Thế giới, gồm 1,56 triệu USD dự án Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia mới và gần 1,35 triệu USD dự án cơ sở hạ tầng thông tin cho thị trường phát điện cạnh tranh.
Đây là các khoản vay lại không chịu rủi ro tín dụng, tài sản hình thành từ các nguồn vốn vay này hiện đang được thế chấp cho các cơ quan cho vay lại được Bộ Tài chính ủy quyền. Do đó, theo quy định về quản lý nợ công, EVN có thể chuyển giao nghĩa vụ nợ cho A0 khi có sự chấp thuận của Thủ tướng.
Ủy ban Quản lý vốn đề xuất Thủ tướng chấp thuận bàn giao hai khoản vay trên từ EVN sang NSMO sau khi thành lập. Công ty này sẽ trực tiếp ký hợp đồng vay lại, hợp đồng thế chấp tài sản và trả nợ cho các cơ quan cho vay lại.
Trong thời gian chuyển giao, EVN tiếp tục trả nợ cho các cơ quan cho vay lại và NSMO hoàn trả lại cho EVN. Cũng theo dự thảo quyết định, toàn bộ lao động của A0 tại thời điểm cuối tháng 8 sẽ được tiếp nhận nguyên trạng, các quyền và nghĩa vụ với người lao động vẫn được kế thừa.
Dự thảo quyết định cũng đưa ra mô hình tổ chức của A0 sau khi tách là mô hình Hội đồng thành viên, để đáp ứng việc chuyển giao từ Ủy ban Quản lý vốn sang Bộ Công Thương sau này theo yêu cầu của Thủ tướng. Bộ Công Thương sẽ kiện toàn các chức danh bộ máy quản lý sau khi doanh nghiệp được chuyển giao về Bộ.
Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia được thành lập năm 1994, vận hành các khâu truyền tải, phân phối điện, để đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định. Đơn vị này cũng chịu trách nhiệm vận hành các nhà máy điện; khai thác, điều tiết hồ chứa; xử lý sự cố hệ thống điện 500kV.
A0 là đơn vị hạch toán phụ thuộc của EVN. Việc tách A0 khỏi EVN đã được nêu trong Quyết định tái cơ cấu ngành điện năm 2017 nhưng chưa được thực hiện. Việc chuyển đơn vị này về Bộ Công Thương được thực hiện theo yêu cầu của Thủ tướng, nhằm tạo điều kiện vận hành cơ chế thị trường trong mối quan hệ giữa đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia với đơn vị phát điện, truyền tải và phân phối theo quy định của Luật Điện lực.