Trong quá trình công tác luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, tuy nhiên, sau 12 năm cống hiến, bất ngờ phía công ty gửi cho tôi thông báo về việc chấm dứt hợp đồng lao động…”. Đó là những bức xúc trong đơn kiến nghị của bà Nguyễn Thị Cẩm Tú (ở Cụm 2, Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội) gửi đến báo Kinh tế & Đô thị.
Bất ngờ nhận thông báo cho thôi việcTheo đơn, bà Nguyễn Thị Cẩm Tú cho biết, là Thạc sĩ, cử nhân Quản trị kinh doanh trường Đại học Kinh tế quốc dân. Làm việc tại Công ty CP Phát triển kỹ thuật và Đầu tư (Công ty ITD) là công ty sở hữu 100% vốn của Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp, hiện nay là Công ty CP Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp – Viện IMI (chiếm 75% vốn Nhà nước) trực thuộc Bộ Công Thương. Năm 2006, giữ chức Phó Trưởng phòng Tài chính - Tổng hợp, đến năm 2007 được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Tài chính - Tổng hợp. “Suốt quá trình làm tại Công ty ITD, tôi luôn giữ mối quan hệ tốt với đồng nghiệp và đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” – bà Tú cho hay.
Điều đáng nói, trong quá trình công ty cổ phần hóa, bà Cẩm Tú cho rằng đã xuất hiện “nhóm lợi ích”. Từ đó, lãnh đạo của công ty tìm mọi cách loại bỏ cán bộ, công nhân viên tâm huyết nhiều năm đóng góp, xây dựng Công ty ITD, trong đó có bà Tú. Ngày 4/4/2017, bà Tú bị cắt chức Trưởng phòng Tài chính kế toán và cho giữ vai trò Thư ký công ty. Ngày 1/11/2017 bà Tú tiếp tục bị cắt chức Thư ký công ty. Đến ngày 16/11/2017, bà Tú bất ngờ nhận được thông báo buộc thôi việc tại Công ty ITD theo Thông báo số 111/2017/TB – TGD.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về việc bất ngờ bị cho thôi việc, bà Nguyễn Thị Cẩm Tú bày tỏ bức xúc: “Việc buộc thôi việc với cá nhân tôi là không thể chấp nhận được. Tôi không vi phạm, không bị kỷ luật hay bất cứ vấn đề gì". Lo lắng về việc mất quyền lợi, tài sản đầu tư vào Công ty ITD, bà Tú chia sẻ: Trước đó, khi có phương án phát hành cổ cổ phần tăng vốn điều lệ cho cổ đông hiện hữu nhằm mở rộng quy mô và phát triển công ty, bà Tú đã hưởng ứng mua cổ phần tăng thêm sở hữu 4,31% vốn điều lệ. Sau đó, bà Tú được ủy quyền đại diện sở hữu thêm 5% vốn điều lệ từ cổ đông khác (tổng cộng là 9,31%). Do đó, bà Tú mong muốn ở lại Công ty ITD để đảm bảo quyền lợi và cổ đông ủy quyền. Khi nhận thông báo thôi việc, bà Tú có nguy cơ rơi vào tình cảnh “trắng tay”…
Có dấu hiệu vi phạm luật lao độngLiên quan đến vụ việc bà Nguyễn Thị Cẩm Tú bị Công ty ITD cho thôi việc, sau khi nghiên cứu hồ sơ, Luật sư Vi Văn A (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Nếu như theo tài liệu và nội dung bà Tú trình bày, Công ty ITD cho thôi việc trong trường hợp này đã có dấu hiệu vi phạm Bộ Luật lao động. Theo đó, bà Cẩm Tú nhận Thông báo chấm dứt Hợp đồng lao động số 111/2017/TB-TGĐ ngày 16/11/2017 nêu lý do: Công ty ITD không thể bố trí việc làm cho bà Nguyễn Thị Cẩm Tú căn cứ theo Phương án sử dụng lao động ban hành kèm theo Quyết định số 19/2017/QĐ – TGĐ ngày 28/10/2017 của Tổng giám đốc Công ty ITD.
Đối chiếu theo quy định tại Khoản 10 Điều 36 Bộ Luật Lao động năm 2012 thì việc chấm dứt hợp đồng lao động của bà Cẩm Tú xảy ra trong trường hợp “Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhập, hợp nhất, chia tách DN, hợp tác xã”. Trường hợp của bà Cẩm Tú nếu áp dụng theo Điều 44 của Bộ Luật Lao động quy định: Nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế nêu rõ: Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng.
Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật Lao động. Trong trường hợp vì lý do kinh tế mà nhiều người lao động có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc, thì người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46…
Việc cho thôi việc đối với nhiều người lao động theo quy định tại Điều này chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp tỉnh...