Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tái đắc cử lần 4, kế hoạch cải tổ châu Âu của bà Merkel vẫn không dễ dàng

Lan Hương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên minh dân chủ cơ đốc giáo (CDU) của bà Merkel chiến thắng ở mức thấp có thể khiến kế hoạch tái định hình châu Âu gặp khó.

Đảng bảo thủ của bà Merkel đã giành được sự ủng hộ nhiều hơn bất kỳ đảng nào khác trong cuộc bầu cử Quốc hội Đức, đúng như dự đoán và chắc chắn bà Merkel sẽ tiếp tục cầm quyền nhiệm kỳ thứ 4 trên cương vị Thủ tướng.
 Kế hoạch cải tổ châu Âu của bà Merkel có thể gặp khó khăn.
Tuy nhiên, chiến thắng của đảng bảo thủ được xem là ở mức thấp nhất kể từ cuộc bầu cử đầu tiên sau Chiến tranh thế giới lần thứ II và con đường duy nhất để giành được quyền lực là thông qua một liên minh với đảng Xanh và Dân chủ tự do (FDP).
Bị suy yếu bởi kết quả tồi tệ nhất cho đảng của mình kể từ năm 1949 và đối mặt với viễn cảnh chính trị khó khăn, Thủ tướng Angela Merkel có thể bị buộc phải kiềm chế kế hoạch tái định hình châu Âu cùng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Trong 4 năm tiếp theo, bà Merkel dự kiến cũng sẽ phải đương đầu với lực lượng đối lập cứng rắn hơn từ đảng Sự lựa chọn cho Đức (AfD) - theo đuổi quan điểm phản đối đồng tiền chung Euro, không ủng hộ chính sách nhập cư khiến hàng nghìn người di cư tiến vào Đức năm 2015 của bà Merkel.
Đảng AfD đã giành được 13% sự ủng hộ, cao hơn kết quả mà các cuộc thăm dò đã dự đoán và sẽ trở thành đảng cánh hữu đầu tiên vào Quốc hội Đức từ năm 1950.
Đây sẽ là một thách thức mới cho bà Merkel, người đã quen dần với các liên minh “hiền lành” và phe đối lập Bundestag “vô hại” trong suốt 12 năm nắm quyền.
Ông Thomas Kleine-Brockhoff dự báo, cải cách khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone là vấn đề chính sách đối ngoại quan trọng nhất mà chính phủ mới phải đối mặt.
Tuy nhiên, ông dự đoán một liên minh giữa đảng bảo thủ của Merkel, FDP và đảng Xanh sẽ đối mặt không ít khó khăn. Đảng Xanh tuyên bố ủng hộ một "châu Âu mạnh hơn" trong khi đó FDP không tán thành việc lồng ghép các chính sách ở cấp độ châu Âu.
"Đây không phải là điều kiện lý tưởng cho kế hoạch cải cách châu Âu của Pháp - Đức ", ông nói.
Tổng thống Pháp Macron đã cam kết sẽ cải tổ châu Âu cùng với Đức, sau nhiều năm khủng hoảng kinh tế và cú sốc mới từ việc rời khỏi Liên minh châu Âu của Anh hồi năm ngoái.
Ông Macron ủng hộ một khối tiền tệ duy nhất, đồng nhất với ý tưởng của bà Merkel.  
Nhưng với việc đảng FDP có mặt trong liên minh cầm quyền, cũng như việc đảng cực hữu AfD phản đối mạnh mẽ trong quốc hội, triển vọng hội nhập sâu hơn vào châu Âu sẽ có nhiều thử thách hơn.