Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tái đàn lợn thuộc nhóm chậm nhất cả nước, Sở Nông nghiệp Hà Nội nói gì?

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - So với 63 tỉnh, TP trên cả nước, công tác tái đàn lợn của Hà Nội bị Bộ NN&PTNT đánh giá còn chậm. Tính đến tháng 9/2020, tổng đàn lợn của Hà Nội mới phục hồi được khoảng 1,3 triệu con.

Năm 2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại 24 quận, huyện, thị xã có chăn nuôi trên địa bàn TP. Số lợn bị tiêu hủy là 543.807 con, với tổng trọng lượng ước tính khoảng 37.155 tấn. Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch tả lợn châu Phi bùng phát, khiến 91 con lợn bị tiêu hủy với tổng trọng lượng gần 6,7 tấn.
 Công tác tái đàn lợn của Hà Nội hiện còn chậm so với các tỉnh, TP trên cả nước.
Dù công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi đã được Hà Nội kiểm soát tương đối đốt, ổ dịch bùng phát diễn ra ở quy mô nhỏ và thiệt hại không quá lớn, tuy nhiên, việc tăng đàn, tái đàn lợn của Hà Nội hiện nay còn chậm so với yêu cầu. Bộ NN&PTNT đánh giá Hà Nội chỉ nằm trong nhóm 4 (nhóm cuối cùng) về tốc độ tăng đàn, tái đàn lợn của cả nước.
Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị về nguyên nhân tốc độ tái đàn lợn còn chậm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, nguyên nhân là do khoảng 33.000 hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ trên địa bàn TP bị thiệt hại nặng nề do dịch tả lợn châu Phi. Các hộ chăn nuôi này đã và đang chuyển đổi dần sang các giống vật nuôi gia súc, gia cầm khác thay thế lợn.
Sau thiệt hại nặng nề, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ rơi vào tình trạng thiếu vốn để tái đàn. Việc tăng đàn, tái đàn hiện nay cũng không dễ, do giá lợn giống hiện rất cao (3,5 - 3,8 triệu đồng/con) và rất khó để mua được. Điều kiện để tái đàn của nhiều hộ chăn nuôi cũng không đảm bảo, nhất là vấn đề chuồng trại bảo đảm an toàn sinh học để tái đàn theo quy định.
Ông Nguyễn Huy Đăng cũng cho rằng, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến thị trường tiêu thụ khiến một bộ phận người chăn nuôi còn dè sặt trong tăng đàn, tái đàn lợn. Cùng với đó, việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi (trong đó, thức ăn cho lợn chiếm tỷ trọng lớn) cũng gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng đến sản xuất…
Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội dự báo trong giai đoạn tới, nguy cơ bùng phát dịch tả lợn châu Phi vẫn còn rất lớn. Do đó để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng đàn lợn đạt khoảng 1,8 triệu con vào cuối năm 2020 theo kế hoạch, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ chỉ đạo các quận, huyện, thị xã có chăn nuôi lợn tập trung rà soát các cơ sở chăn nuôi, hỗ trợ và quản lý chặt chẽ việc tái đàn lợn bảo đảm an toàn sinh học.
Khuyến khích các doanh nghiệp, hộ sản xuất con giống ưu tiên bán giống lợn cho người dân trên địa bàn TP để tăng đàn, tái đàn lợn. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ an toàn dịch bệnh trên đàn lợn trong giai đoạn chuyển mùa, thời tiết lạnh những tháng cuối năm…
Để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, Sở NN&PTNT Hà Nội kiến nghị TP giữ nguyên hệ thống thú y như hiện nay để kiểm soát tốt dịch bệnh. Tiếp tục có thêm các chính sách về phòng chống dịch tả lợn châu Phi, hỗ trợ xây dựng vùng an toàn dịch bệnh… Đồng thời, sớm phê duyệt và triển khai kế hoạch phòng chống dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng giai đoạn 2021 - 2025.