Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tái hiện Chiến thắng Điện Biên Phủ bằng ngôn ngữ nghệ thuật

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), nhiều tác phẩm nghệ thuật được ra mắt thể hiện tấm lòng, tình cảm, tri ân những người đã hy sinh máu xương vì độc lập, tự do của đất nước.

“Sống mãi với Điện Biên” trên sân khấu xiếc

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Liên đoàn Xiếc Việt Nam thực hiện chương trình nghệ thuật “Sống mãi với Điện Biên”, ra mắt các ngày 4, 5, 11 và 12/5 tại số 67 - 69 Trần Nhân Tông, Hà Nội.

NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, đây không chỉ là một chương trình nghệ thuật xiếc mà còn là dịp để các nghệ sĩ thể hiện tấm lòng, tình cảm, tri ân những người đã hy sinh máu xương vì độc lập, tự do của đất nước, nỗ lực truyền tải lịch sử qua nghệ thuật.

Hình ảnh trong chương trình nghệ thuật “Sống mãi với Điện Biên”. Ảnh: LĐXVN.
Hình ảnh trong chương trình nghệ thuật “Sống mãi với Điện Biên”. Ảnh: LĐXVN.

Theo NSND Tống Toàn Thắng, bằng ngôn ngữ xiếc, chương trình tái hiện câu chuyện lịch sử với âm hưởng hào hùng, bi tráng, có sự tham gia của 50 nghệ sĩ xiếc tài năng của Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

"Chúng tôi xây dựng ý tưởng biến sân khấu xiếc thành một sa bàn lớn thể hiện toàn cảnh chiến thắng Điện Biên Phủ. Từ vị trí của khán giả nhìn xuống sân khấu xiếc sẽ như một thung lũng thu nhỏ, các hoạt cảnh tái hiện những trận chiến cam go và hào hùng của các chiến sĩ Điện Biên gồm: “Tây Bắc hào hùng”, “Hành quân xa”, “Hò kéo pháo”, “Trên đồi Him Lam”, “Giải phóng Điện Biên”.

Hình ảnh anh Bế Văn Đàn kéo pháo, các nghệ sĩ hóa thân đứng trên nóc hầm chỉ huy của De Castries, những màn múa xòe, nhảy sạp... tất cả tạo nên một không gian hào hùng về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Khán giả sẽ tương tác với các nghệ sĩ trong vai các anh bội đội cụ Hồ" - NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ.

"Sống mãi với Điện Biên” mang tới các tiết mục biểu diễn: xe đạp chồng người, múa sạp, nhào lộn, tung hứng, đế trụ tập thể, dây da, leo cột, múa cờ, nhào lưới, xiếc thú, cầu bật, thăng bằng trên dây… Chương trình còn có sự kết hợp của dàn hợp xướng, thể hiện các ca khúc về Điện Biên.

Chương trình sẽ có sự xuất hiện của các cựu chiến binh từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhằm mang đến cảm xúc đặc biệt, những ký ức, câu chuyện về chiến dịch lịch sử này.

Thông qua “Sống mãi với Điện Biên”, các nghệ sĩ mong muốn đem đến cho khán giả một chương trình xiếc vừa mang tính nghệ thuật vừa mang ý nghĩa lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, khơi dậy lòng yêu nước trong nghệ sĩ trẻ và khán giả nói chung.

Nhiều tác phẩm tranh, sách về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cục Văn hóa cơ sở - Bộ VHTT&DL vừa tổ chức Lễ trao giải thưởng cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024) và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 – 19/5/2024).

Tác phẩm đoạt giải Nhất tại Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Cục Văn hóa cơ sở.
Tác phẩm đoạt giải Nhất tại Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Cục Văn hóa cơ sở.

Qua 2 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 1.000 tác phẩm tham gia. Theo Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Nguyễn Quốc Huy, các tác phẩm tranh cổ động đã thể hiện rõ nội dung tuyên truyền, đáp ứng yêu cầu về mỹ thuật; thông qua ngôn ngữ và hình ảnh, màu sắc, các tác phẩm đã chuyển tải về ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của các sự kiện này.

Trong số đó có thể kể đến những tác phẩm tiêu biểu như: “Chiến thắng của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc Việt Nam” của tác giả Đỗ Như Điềm (Thái Bình); ca ngợi những chiến công vẻ vang của quân và dân ta với tác phẩm “Điện Biên Phủ vang mãi bản hùng” ca của tác giả Nguyễn Đình Hưng (Nghệ An)...

Hình ảnh đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 với các tác phẩm tiêu biểu như “Con đường huyền thoại của” Nguyễn Công Quang (Hà Nội); “Đường đến thống nhất” của Nguyễn Anh Minh (Vĩnh Phúc); “Vượt núi vượt ngàn khó nguy - tôi là người lái xe” của Phạm Bình Định (Hà Nội)...

Cũng trong dịp này, NXB Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Tỉnh ủy Điện Biên tổ chức giới thiệu 3 cuốn sách về chiến dịch Điện Biên Phủ. Các cuốn sách được giới thiệu dịp này gồm: "Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân", “Anh hùng, chiến sĩ Điện Biên Phủ”, “Điện Biên Phủ - Lịch sử và ký ức”.

Trong đó, "Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân", do PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Chính trị quốc gia Sự thật làm chủ biên, nhằm tri ân công lao và cống hiến đặc biệt xuất sắc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Cuốn sách lưu giữ những hình ảnh đẹp về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng, một chiến sĩ cộng sản bản lĩnh, kiên trung, bất khuất; một thiên tài quân sự hiếm có; học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Qua những kỷ niệm, ký ức về Đại tướng, bạn đọc dễ dàng nhận thấy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đại tướng luôn thể hiện bản lĩnh của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, giữ vững khí tiết, tư tưởng tiến công, ý chí tự lực tự cường, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó; luôn đề cao công lao, sự hy sinh to lớn của Nhân dân, quân đội, những người trực tiếp chiến đấu trên chiến trường và chỉ nhận mình là "hạt nước giữa đại dương", bình đẳng với mọi người lính.

 

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhà thơ Hữu Thỉnh cho ra mắt trường ca thơ “Giao hưởng Điện Biên”. Trường ca thơ “Giao hưởng Điện Biên” gồm 21 chương và 5 phần bình luận bằng thơ, kể về chiến dịch Điện Biên từ những ngày đầu đến lúc kết thúc chiến tranh và cuộc sống hôm nay của vùng đất thiêng ấy.