"Cha đẻ" của dự án này - đạo diễn, NSƯT Nguyễn Hữu Phần, người có duyên với những bộ phim về đề tài nông thôn - đầy nhiệt huyết khi bắt tay thực hiện Dự án.
Cảnh trong phim trò đời.
Từ đâu mà ông lại có ý tưởng dựng phim truyền hình chuyển thể từ những tác phẩm văn học nổi tiếng giai đoạn 1930 - 1945?
- Xuất phát từ thực tế phim truyền hình Việt đang có chiều hướng đi xuống với những đề tài tình yêu, sinh viên, tuổi teen… mang nặng tính giải trí. Trong khi đó, lịch sử văn học Việt Nam có một kho tàng với nhiều tác phẩm nổi tiếng giai đoạn 1930 - 1945, gồm cả văn học lãng mạn và văn học hiện thực phê phán, chưa được khai thác nhiều.
Tôi đã viết Dự án này với tư cách Phó Giám đốc Hodafilm và được Đài Truyền hình Việt Nam ủng hộ. Vì vậy, Dự án được Hodafilm phối hợp với Hãng phim Truyền hình Việt Nam (VFC) thực hiện. Chúng tôi tin tưởng sêri phim về thời kỳ này sẽ là cơ hội để người xem thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật thành công một thời.
Việc làm này cũng góp phần mang lại màu sắc tươi mới cho phim truyền hình. VFC hiện là một đơn vị làm phim mạnh, có phương tiện kỹ thuật tốt nên sẽ lo về mặt sản xuất. Hodafilm sẽ lo phần nhân sự sáng tác chính như tác giả kịch bản, đạo diễn, quay phim, âm thanh, họa sĩ thiết kế mỹ thuật, phục trang, hóa trang. Hiện nay, chúng tôi đang làm thử phim "Trò đời", chuyển thể từ các tác phẩm nổi tiếng của Vũ Trọng Phụng do Phạm Nhuệ Giang và Nguyễn Thanh Vân đạo diễn. Trong đó, "Số đỏ" làm câu chuyện chính, "Kỹ nghệ lấy Tây", "Làm đĩ"… xoay quanh đó.
Đây là một thể nghiệm để khảo sát sự đón nhận của công chúng, hiệu quả quảng cáo và mức độ nhớ về văn học quá khứ của khán giả.
Một Dự án lớn như vậy, thì kinh phí làm phim sẽ là bao nhiêu, thưa ông?
- Khi tôi đưa ra Dự án này, nhiều người cho rằng, việc thực hiện nó sẽ rất tốn kém, vì phải dựng lại bối cảnh quá khứ, may mới hoàn toàn quần áo thời xưa, làm đạo cụ... Nhưng nếu chỉ làm một phim thì chắc chắn kinh phí rất lớn, còn làm một sêri phim khoảng 200 tập thì mỗi tập cũng chỉ mất khoảng 150 đến 200 triệu đồng (trong mức cho phép).
Trong bối cảnh làm phim hiện tại, hẳn ông cũng gặp nhiều khó khăn khi thực hiện dự án?
- Dự án cần có đội ngũ làm phim am hiểu lịch sử xã hội sâu sắc để có thể hiểu được những giá trị nhân văn, nghệ thuật của các tác phẩm văn học giai đoạn 1930 - 1945. Tiếp đến là đội ngũ các nhà biên kịch phải có khả năng chuyển thể ngôn ngữ văn học thành ngôn ngữ hình ảnh.
Bên cạnh đó, trường quay phải làm sao đáp ứng được yêu cầu của bối cảnh. Tức là phải đầu tư ban đầu để làm, chứ không thể làm theo kiểu "ăn xổi ở thì" được. Mặt khác, chúng ta phải có tư liệu để thiết kế đạo cụ cho đúng.
Ông đang kỳ vọng điều gì vào dự án này, thưa ông?
- Tôi muốn dòng phim này phải thành công ở ba mục tiêu: Tôn vinh văn học giai đoạn 1930 - 1945; làm hết sức đến mức có thể, bởi nếu Đài Truyền hình Việt Nam không thu được quảng cáo thì họ cũng không có khả năng đầu tư lâu dài.
Đồng thời, trước thực tế báo động về văn hóa đọc trong một bộ phận giới trẻ, chúng tôi cũng hy vọng việc đưa những tác phẩm văn học một thời lên màn ảnh sẽ giúp các bạn thấy thú vị và tò mò muốn tìm đọc lại những tác phẩm thời kỳ này. Nếu làm được điều đó sẽ là một thành công không nhỏ.Đặc biệt, hầu hết các tác phẩm văn học giai đoạn này đều liên quan đến Hà Nội. Việc làm phim sẽ giúp khôi phục không khí Thủ đô thời đó, nhất là cách giao tiếp của người dân Hà Nội xưa, để khán giả tự so sánh với văn hóa ứng xử hiện nay. Từ đó, công chúng sẽ có ý thức hơn trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa của mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Hình như bên cạnh việc chuẩn bị nguồn lực cho Dự án, ông còn đang hoàn tất kịch bản "Ma làng 2"?
- Đúng vậy, tôi đang hoàn tất kịch bản phim "Ma làng 2", dự kiến sẽ thực hiện trong năm tới. "Ma làng 1" kết thúc năm 1990, người nông dân được khoán ruộng đất, họ reo mừng. "Ma làng 2" sẽ kể tiếp câu chuyện khi 5 năm sau họ bị rơi vào bi kịch mất đất. Xin cảm ơn ông!