Tái hiện sinh động cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay 13/2 (mùng 6 Tết Bính Thân), lễ kỷ niệm 1976 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và khai mạc lễ hội Đền thờ Hai Bà Trưng đã được tổ chức trọng thể tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền thờ Hai Bà Trưng (thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh).

Tái hiện sinh động cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng - Ảnh 1
Tới dự có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa; Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, lãnh đạo nhiều sở, ban ngành cùng du khách thập phương...

Tại lễ khai mạc, câu chuyện lịch sử về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã được các diễn viên đoàn nghệ thuật TP Hà Nội, Nhân dân huyện Mê Linh tái hiện sinh động trên sân khấu.

Hai Bà Trưng Trắc – Trưng Nhị sinh ra trong một gia đình quý tộc thuộc dòng dõi Vua Hùng, có tư chất thông minh, sinh đẹp, được nuôi dạy trong tinh thần yêu nước. Con trai Lạc tướng huyện Chu Diên là Thi Sách cảm phục tài sắc, đã tới xin kết duyên cùng Bà Trưng Trắc. Thời kỳ đó, nước ta bị nhà Hán đô hộ. Với chính sách thống trị vô cùng tàn bạo và các chế độ cống nạp hà khắc, Nhân dân ta phải sống lầm than khổ cực, sục sôi ý chí nổi dậy chống lại sự thống trị tàn bạo của chính quyền phong kiến phương Bắc.
Hoạt cảnh tái hiện cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng
Hoạt cảnh tái hiện cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng
 
Câu chuyện lịch sử đi đến cao trào khi Thái thú Tô Định biết được ý định chuẩn bị khởi nghĩa của Thi Sách – Trưng Trắc, đã cho người ám hại Thi Sách. Hoạt cảnh đau thương của Bà Trưng Trắc khi hay tin Thi Sách bị giết khiến hàng ngàn người theo dõi vở diễn không khỏi xúc động. Song, hành động tàn bạo của Tô Định không làm cho Bà Trưng Trắc sờn lòng, trái lại, càng làm cho Bà thêm quyết tâm khởi nghĩa “Đền nợ nước, trả thù nhà”.

Năm 40 sau Công Nguyên, Hai Bà Trưng đã giương cờ khởi nghĩa, kêu gọi hào kiệt bốn phương cùng Nhân dân đứng lên chống giặc ngoại xâm. Cuộc khởi nghĩa được Nhân dân khắp nơi ủng hộ. Chỉ sau một thời gian ngắn, nghĩa quân đã thu lại 65 huyện, thành – là toàn bộ lãnh thổ nước Việt hồi đó.
Lãnh đạo trung ương và Thành phố  thắp hương tại đền thờ Hai Bà Trưng
Lãnh đạo trung ương và Thành phố thắp hương tại đền thờ Hai Bà Trưng
Sau khi Hai Bà Trưng mất, để tưởng nhớ, biết ơn công đức hai vị nữ anh hùng, Nhân dân huyện Mê Linh lập đền thờ Hai Bà ngay trên đất thiêng nơi Hai Bà sinh ra và phất cờ khởi nghĩa. Hàng năm, cứ vào mùng 6 tháng Giêng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Mê Linh lại trọng thể tổ chức lễ tế để tỏ lòng tri ân, tôn kính đối với Hai Bà cùng lục bộ chi tướng, cầu mong Hai Bà Trưng phù hộ độ trì cho Quốc thái Dân an…  

Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng nhấn mạnh, lễ hội Đền thờ Hai Bà Trưng là dịp để con dân cả nước ôn lại truyền thống yêu nước và tinh thần quật khởi của Hai Bà Trưng; bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, sự tri ân đối với các bậc tiền nhân đã hy sinh để Tổ quốc Việt Nam được tươi đẹp và Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay. Qua đó, thấy được trách nhiệm lớn lao của các thế hệ con cháu Hai Bà Trưng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngay sau lễ khai mạc, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng đoàn đại biểu các bộ, ban ngành T.Ư, lãnh đạo TP Hà Nội đã vào thắp hương, làm lễ tại các khu đền thờ.

 Lễ hội Đền thờ Hai Bà Trưng sẽ diễn ra từ nay đến hết ngày mùng 8 tháng Giêng năm Bính Thân (tức ngày 15/2/2016). Bên cạnh phần lễ, tại lễ hội Đền thờ Hai Bà Trưng 2016 sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, trò chơi dân gian truyền thống, cùng các hoạt động vui chơi dành cho trẻ em…