Tai nạn giao thông trên đường cao tốc do dân đốt cỏ gây khói, xử lý ra sao?

Tân Tiến thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc người dân đốt cỏ trên đồng tạo ra làn khói đậm đặc, gián tiếp gây tai nạn giao thông (TNGT) liên hoàn trên cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây vào chiều 3/4 đang khiến dư luận quan tâm, thắc mắc trước câu hỏi, cá nhân, tổ chức nào chịu trách nhiệm?

Liên quan đến vấn đề này, PV báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với luật sư Hồ Nguyên Lễ - Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Tín Nghĩa thuộc Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh.
Hiện trường vụ tai nạn chiều 3/4.
Người dân đốt cỏ ngoài hành lang an toàn giao thông, nhưng khói tạt vào đường cao tốc khiến tài xế bị hạn chế tầm nhìn dẫn đến TNGT. Vậy người đốt cỏ có lỗi không?
LS Hồ Nguyên Lễ: Điều 2 Nghị định số 100/2013 sửa đổi Điều 15 Nghị định số 11/2010 quy định về giới hạn hành lang an toàn đường bộ nhằm bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) và bảo vệ công trình đường bộ đối với đường cao tốc ngoài đô thị như sau: Hành lang an toàn 17m, tính từ đất của đường bộ ra mỗi bên; hành lang an toàn 20m, tính từ mép ngoài của kết cấu ngoài cùng ra mỗi bên đối với cầu cạn và hầm. Đó là những khoảng cách an toàn của hành lang giao thông mà không thể bất cứ ai có thể xâm phạm.

Việc người dân đốt cỏ khô, rơm rạ ngoài đồng ruộng cần phải xác định đây có phải là một qui định bắt buộc trong canh tác nông nghiệp hay không? Hay chỉ vì người dân thấy tiện, ít tốn công cắt bỏ đi mà đốt cho nhanh và có thêm phân bón, qua đó để xác định người đốt có phải chịu trách nhiệm bởi hậu quả mà mình gây ra hay không?

Nếu diện tích cỏ khô, rơm rạ bị đốt nằm trong phạm vi giới hạn hành lang an toàn đường bộ thì người đốt đã vi phạm quy định pháp luật nêu trên. Nếu nằm ngoài giới hạn hành lang an toàn đường bộ thì người đốt gây khói là nguyên nhân gây ra hậu quả nghiệm trọng, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản... của người khác thì phải bồi thường theo quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Về trách nhiệm hình sự, theo điều 261 Bộ luật Hình sự năm 2015, quy định về tội “Cản trở giao thông đường bộ”: “Người nào để trái phép vật liệu, phế thải, rác thải… hoặc các chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ… mà gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên, gây thương tích từ 31% trở lên hoặc làm chết người là phạm tội hình sự. Thực tế, các đám cháy do đốt cỏ khô, rơm rạ đã lan ra đường cao tốc gây cản trở giao thông và hậu quả là có tai nạn xảy ra. Như vậy, cơ quan điều tra cần xem xét, xác định các đám khói có phải “chướng ngại vật khác” gây cản trở giao thông đường bộ hay không mới có cơ sở xử lý theo quy định pháp luật.
Khi trả lời trên báo chí, một chỉ huy cứu hộ của Tổng Công ty đường cao tốc cho biết, việc đốt cỏ xảy ra thường xuyên và nay đã có hậu quả. Vậy trách nhiệm của Tổng Công ty đường cao tốc trong vụ này ra sao?
LS Hồ Nguyên Lễ: Theo thông tư 90/2014/TT-BGTVT quy định đơn vị được giao tổ chức khai thác, bảo trì công trình đường cao tốc (gọi là đơn vị khai thác, bảo trì) là chủ thể trực tiếp thực hiện việc khai thác, bảo trì công trình đường cao tốc. Theo đó, quy trách nhiệm của đơn vị khai thác, bảo trì, như sau: Thực hiện việc tuần tra trên đường cao tốc theo quy định; thực hiện, phối hợp với các cơ quan chức năng ở Trung ương, địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng và đảm bảo ATGT trên đường cao tốc.

Đối với trách nhiệm của nhân viên tuần đường cũng có quy định: Phát hiện kịp thời tình trạng bất thường, sự cố của công trình đường cao tốc ảnh hưởng đến ATGT, các vi phạm quy định về ATGT các tai nạn, sự cố giao thông phải báo cáo kịp thời.

Như vậy, luật đã quy định đơn vị khai thác, bảo trì và nhân viên tuần đường phải phối hợp với các cơ quan chức năng ở Trung ương, địa phương trong việc đảm bảo ATGT trên đường cao tốc (như không được có tác động nào gây ra hiện tượng hạn chế tầm nhìn cho các phương tiện lưu thông). Hoặc khi phát hiện tình trạng bất thường (như có khói mật độ dày gây hạn chế tầm nhìn) thì phải báo cáo để kịp thời xử lý. Nếu để xảy ra sự cố gây hậu quả thì căn cứ theo trách nhiệm để xử lý đúng luật qui định.
Vậy ai phải bồi thường cho những người bị thương, những xe bị hỏng trong vụ tai nạn này?
LS Hồ Nguyên Lễ: Đường cao tốc cho phép các phương tiện tham gia giao thông với tốc độc cao, là nguồn nguy hiểm cao độ nếu xảy ra tai nạn. Trách nhiệm của đơn vị khai thác, bảo trì đường cao tốc phải đảm bảo những kỹ thuật lẫn điều kiện lưu thông để các phương tiện lưu thông an toàn. Người dân đã trả tiền phí để được sử dụng dịch vụ lưu thông tốc độ cao (là hợp đồng dịch vụ) thì phải được đảm bảo an toàn khi lưu thông trên đường cao tốc. Nếu tai nạn xảy ra mà lỗi được cơ quan có thẩm quyền xác định trách nhiệm thuộc đơn vị khai thác, bảo trì thì phải bồi thường theo quy định Bộ luật dân sự năm 2015. Cụ thể, tại điều 513 về “Hợp đồng dịch vụ” nêu: “Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ”.

Còn điều 517 về “Nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ” quy định: “Bồi thường thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ, nếu làm mất, hư hỏng tài liệu, phương tiện được giao”.
Xin cảm ơn Luật sư
Khoảng 14h30 ngày 3/4, tại khu vực gần cầu Đồng Môn (cách quốc lộ 51 khoảng 3km - hướng từ TP Hồ Chí Minh đi Dầu Giây), do người dân đốt cỏ trên ruộng khiến khói bị gió thổi về hướng đường cao tốc làm khuất tầm nhìn tài xế điều khiển phương tiện dẫn đến TNGT liên hoàn giữa 2 xe khách 16 chỗ, 1 xe bồn và 1 xe khách 48 chỗ. Vụ tai nạn làm 4 người bị thương và được đưa đi cấp cứu, các phương tiện hỏng nặng, giao thông ùn tắc nghiêm trọng.