Tại sao giá lợn hơi giảm mạnh nhất 2 năm qua?

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Giá lợn hơi đã giảm liên tục 4 tháng nhưng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, khiến người chăn nuôi đứng bên bờ vực thua lỗ. Theo các chuyên gia, việc giá lợn giảm là điều tất yếu, không phải điều bất ngờ.

Sau chuỗi ngày giảm mạnh, trong ngày 14/3, giá lợn tại nhiều tỉnh thành trên cả nước tiếp tục giảm. Trong đó, tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi đồng loạt đi ngang trên diện rộng và dao động trong khoảng 46.000 - 49.000 đồng/kg. Địa phương có mức giá thu mua cao nhất là Hưng Yên, Thái Nguyên và Hà Nội vẫn đang thu mua lợn hơi với giá 49.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại hai tỉnh Yên Bái và Lào Cao tiếp tục neo ở mức thấp nhất khu vực là 46.000 đồng/kg. Tại các tỉnh, thành còn lại, giá lợn hơi hôm nay ghi nhận ở mức 47.000 - 48.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi giảm rải rác và dao động trong khoảng 47.000 - 51.000 đồng/kg.

Tương tự, tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi hôm nay ghi nhận giảm cao nhất 2.000 đồng/kg và dao động trong khoảng 49.000 - 52.000 đồng/kg. Cụ thể, sau khi giảm 1.000 đồng/kg, 50.000 đồng/kg là mức giao dịch được ghi nhận tại tỉnh Đồng Tháp. Trong khi đó, ghi nhận mức giảm sâu hơn 2.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại tỉnh Trà Vinh đang được thu mua với giá thấp nhất là 49.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi liên tục giảm sâu 
Giá lợn hơi liên tục giảm sâu 

Giá lợn giảm đang gây khó khăn cho người chăn nuôi trong nước. Theo tính toán của người chăn nuôi, trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi cao, thì người chăn nuôi lợn đang chịu thua lỗ.

Chia sẻ về nguyên nhân khiến giá lợn liên tục giảm sâu, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương cho rằng, giá lợn hơi hiện nay đang xuống thấp là một tất yếu chứ không bất ngờ.

Theo ông Dương, bản chất vấn đề là quan hệ cung cầu. Thời gian qua, người chăn nuôi đẩy mạnh tái đàn. Bên cạnh đó, áp lực còn đền từ nguồn cung nhập khẩu. Thực tế, ngành chăn nuôi trong nước chỉ tăng có 2 - 3% nhưng nhập khẩu tăng đến hàng trăm phần trăm. “Tôi đã thống kê, nhập khẩu các sản phần từ lợn trong năm 2019, 2020 sang 2021 tăng 16 lần. Nguồn cung tăng lớn như vậy nhưng cầu không tăng mà lại giảm đi. Cầu không tăng đối với thịt lợn do thói quen tiêu dùng của người Việt Nam đã thay đổi” – ông Dương dẫn chứng.

 

Một nghiên cứu mới đây của Công ty Ipsos (tên đầy đủ Công ty Ipsos Strategy3) nghiên cứu đánh giá thói quen tiêu dùng thực phẩm của người Việt Nam thay đổi. Người ta đưa ra dẫn chứng, năm 2018 chúng ta tiêu dùng khoảng 32kg thịt lợn/người/năm nhưng bây giờ xuống còn 25kg/người/năm.

Đưa ra giải pháp ổn định thị trường và hỗ trợ người chăn nuôi thời điểm này, ông Dương đề xuất nên có hỗ trợ trợ tín dụng cho người chăn nuôi bên cạnh các hỗ trợ  về vaccine, kiểm dịch… giúp cho người chăn nuôi nông hộ giảm chi phí. Bên cạnh đó, cần đánh giá lại tiềm năng, cơ cấu ngành hàng chăn nuôi, đặc biệt là điều chỉnh được mục tiêu phát triển. Cần xem quy mô đàn lợn trong thời gian tới cần như thế nào là vừa. Không nên nói dư địa còn nhiều, vô tình đã tạo ra một không gian ảo để các DN trong nước và ngoài nước đầu tư quá nhiều vào, khiến chúng ta mất khả năng kiểm soát thị trường.

Tương tự như vậy, phải khuyến cáo để các doanh nghiệp khi đầu tư vào ngành hàng thịt lợn phải biết là thị trường còn bao nhiêu nữa và doanh nghiệp chăn nuôi phải xác định đầu tư ở Việt Nam nhưng phải chuyển sang xuất khẩu ở những nơi khác. Song song, phải có quy hoạch sản xuất, phải tổ chức lại sản xuất, nhất định phải theo chuỗi liên kết khi đó sẽ giúp nhà nước cân đối lại cung cầu.