Tại TP Hồ Chí Minh: Ngổn ngang 29 dự án giao thông trọng điểm

Cao Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giao thông được cho là yếu tố đang kìm hãm phát triển của TP Hồ Chí Minh. Sắp kết thúc năm 2022, phần lớn trong tổng số 29 dự án giao thông trọng điểm của TP triển khai vẫn trong tình trạng giậm chân tại chỗ.

Nhiều dự án đắp chiếu

Năm 2022, TP Hồ Chí Minh chọn 29 dự án giao thông trọng điểm để ưu tiên dồn sức triển khai với tổng mức vốn đầu tư là 243.000 tỷ đồng, trong đó chia thành 3 nhóm gồm: 13 dự án chuyển tiếp, 6 dự án khởi công mới và nhóm 10 dự án chuẩn bị đầu tư.

Một đoạn hầm nổi nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ đã xong phần bê tông. Ảnh: Cao Văn
Một đoạn hầm nổi nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ đã xong phần bê tông. Ảnh: Cao Văn

Với nhóm 13 dự án giao thông triển khai chuyển tiếp, trên địa bàn quận Thủ Đức gồm các dự án như: Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, mở rộng và nâng cấp đường Lương Định Của, cầu Thăng Long, cầu Nam Lý, cầu Ông Nhiêu và nút giao thông Mỹ Thủy. Còn lại thuộc các địa bàn khác như cầu Phước Long và cầu Long Kiển, cầu Tân Kỳ - Tân Quý, hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ… Phần lớn các dự án này đã bị đắp chiếu từ 3 - 20 năm do vướng giải phóng mặt bằng (GPMB).

Thực tế, đến đầu tháng 12/2022 chỉ có một dự án là cầu Long Kiển hoàn thành GPMB. Điều đáng nói, thông thường thông tin tiến độ thực hiện dự án chủ yếu do cán bộ nhà thầu báo vống, chẳng hạn dự án hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ.

Từ đầu năm đến nay, nhiều thông tin trên mặt báo cho rằng công trình đã hoàn thành 35% khối lượng. Nhưng tại sao khối lượng hoàn thành 35% mà số liệu Kho bạc Nhà nước lại cho rằng dự án này mới giải ngân 9,7 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ gần 5% trên 200 tỷ đồng được giao?

Trong khi đó, sáng 3/12, trực tiếp khảo sát tại công trường dự án, đồng thời trao đổi với ông Vương Đình (kỹ sư tư vấn) và ông H (phụ trách công trường), phóng viên Kinh tế & Đô thị lại thấy kết quả khác biệt lớn. Thực tế cho thấy, khối lượng nhà thầu đã thi công phần đổ bê tông hoàn thành 2 đoạn hầm hở CH2, còn 2 đoạn hầm hở CH1 chưa thi công.

Toàn bộ 2 hầm kín chui đường Nguyễn Hữu Thọ, mỗi hầm dài 80m chưa thi công. Công việc di dời hạ tầng kỹ thuật (1 đường điện cao thế ngầm do Công ty Điện lực Duyên Hải quản lý và 3 ống nước sinh hoạt do Sawaco quản lý) có kinh phí dự kiến trên 155/830 tỷ đồng vẫn án binh bất động.

Với nhóm 6 dự án khởi công mới, theo thông tin từ Ban Quản lý các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh, TP sẽ quyết tâm đưa 3 dự án triển khai xây dựng vào cuối tháng 12 gồm: Nút giao An Phú Thủ Đức (vốn đầu tư 3.800 tỷ đồng), đường Trần Quốc Hoàn nối ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất (4.800 tỷ đồng) và đường Quốc lộ 50 qua huyện Bình Chánh (1.500 tỷ đồng).

Tuy nhiên, thực tế kế hoạch này hiện thực hóa đến đâu vẫn phải chờ. Còn 3 dự án khác chưa có tín hiệu triển khai thực hiện là dự án kết nối tuyến xe buýt với nhà ga Metro số 1; dự án xây dựng tuyến Metro số 2 và dự án phát triển giao thông xanh TP.

Nhóm 10 dự án chuẩn bị đầu tư gồm cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, cảng trung chuyển IDC Long Bình, 3 dự án 1, 2, 4 khép kín đường Vành đai 2, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, đường Vành đai 3 và đường Vành đai 4… Đến nay, nổi bật công việc triển khai chuẩn bị của nhóm dự án này là TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành cắm mốc chỉ giới, cơ bản kiểm kê xong đất và tài sản của các trường hợp thuộc diện đền bù, tái định cư của dự án đường Vành đai 3.

Số dự án còn lại thuộc nhóm chờ chủ trương đầu tư. Trong đó có những dự án như cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, TP Hồ Chí Minh đã công bố kế hoạch triển khai hàng chục năm nay. Thông tin những dự án này sẽ triển khai vào “năm này hay năm khác” đã xuất hiện nhiều lần trên mặt báo, góp phần tiếp sức cho nạn đầu cơ bất động sản khu đô thị Nam Sài Gòn. Còn người dân chỉ kỳ vọng rồi nhanh chóng thất vọng.

Đừng đổ hết lỗi do chậm giải phóng mặt bằng

Dự án hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, giai đoạn 1 vốn đầu tư 830 tỷ đồng được khởi công vào tháng 4/2020 và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2022. Nhưng thực tế kế hoạch này hoàn toàn phá sản.

Tính đến thời điểm hiện tại, khối lượng hoàn thành ước khoảng 20% tổng dự toán. Với tiến độ này, liệu bao nhiêu năm nữa dự án mới hoàn thành? Giờ đây không thể đổ lỗi cho chậm GPMB được nữa, vì hoàn toàn không có vướng mắc GPMB với các hộ dân, chỉ bị di dời một số hạ tầng kỹ thuật ngầm như nói trên.

Tại sao dự án hầm chui nút giao Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến của TP Hà Nội gần như tương đồng về thiết kế, chỉ giảm chút ít về khối lượng (hầm 2 làn xe) nhưng hoàn thành trong thời gian chỉ tròn 2 năm (khởi công tháng 10/2020 và hoàn thành tháng 10/2022)? Dự án này cũng bị tạm dừng thời gian phòng, chống dịch Covid-19, cũng phải xử lý di dời hạ tầng kỹ thuật ngầm, thậm chí có phần phức tạp hơn do triển khai thi công trên nút giao luôn tắc nghẽn hơn cả nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ của TP Hồ Chí Minh.

Hay cầu Long Kiển, dự án đã được bàn giao mặt bằng sạch sau nhiều tháng. Đến nay, chủ đầu tư nhận mặt bằng xong rồi quây tôn kín, không có động thái triển khai gói xây dựng đường dẫn 2 đầu cầu.

Trong khi đó, tại gói xây lắp còn lại gồm trụ T7 và 2 móng đầu cầu là M1, M2, sáng 3/12 phóng viên quan sát tại hiện trường chỉ có một máy xúc và lèo tèo vài công nhân đang thi công. Tưởng chừng sau 21 năm vướng mặt bằng, dự án cầu Long Kiển sẽ được thi công nhanh song kiểu triển khai ì ạch thế này liệu khi nào hoàn thành?

Lý do được coi là căn bệnh mãn tính của dự án giao thông thực hiện chậm là vướng GPMB. Nhưng trong câu chuyện này có lý do thiếu trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan. Không bị trách nhiệm hóa rõ ràng không ai chịu trách nhiệm.

Dự án triển khai đền bù và tái định cư vì vậy kéo dài với lý do giải trình chung chung là vướng mắc mặt bằng. Hệ quả dự án càng kéo dài thì chi phí GPMB càng cao. Chẳng hạn, dự án cầu Phước Long dự toán theo quyết định chủ trương đầu tư năm 2016 chỉ 397 tỷ đồng nhưng năm 2022 TP phải bổ sung 351 tỷ đồng (tăng 88,5%) do tăng chi phí GPMB.

 

Mặc dù đã triển khai 6 năm nhưng đến nay phần lớn hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án cầu Phước Long dường như chưa có thông tin chính thức về đền bù và tái định cư. Các hộ dân đầu cầu phía huyện Nhà Bè chưa được cắm chỉ giới mặt bằng, còn phía đầu cầu quận 7 vẫn còn hộ chưa được cắm mốc. Được biết, huyện Nhà Bè đã có giấy mời người dân đến dự họp quán triệt chủ trương, phương án đền bù và tái định cư cho các hộ dân vào sáng 5/12/2022, một việc triển khai quá chậm.