Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tâm điểm bất động sản 2010

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Các chuyên gia dự báo thị trường bất động sản năm 2010 sẽ tiếp tục phục hồi và sôi động. Cùng với đó, tâm điểm của thị trường bất động sản khu vực phía Bắc trong năm nay vẫn tiếp tục là bản quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đang trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt.

KTĐT - Các chuyên gia dự báo thị trường bất động sản năm 2010 sẽ tiếp tục phục hồi và sôi động. Cùng với đó, tâm điểm của thị trường bất động sản khu vực phía Bắc trong năm nay vẫn tiếp tục là bản quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đang trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt.

Chờ đợi quy hoạch

Hà  Nội chính thức mở rộng địa giới hành chính vào tháng 8-2008 đã tác động sâu tới thị trường bất động sản phía Bắc trong gần 2 năm qua. Năm 2010, khi việc lập đồ án Quy hoạch chung Hà Nội hoàn thành, thị trường hứa hẹn sẽ có những “rung lắc” tương tự.

Đồng ý với quan điểm này, các chuyên gia nhận định, “có nhiều căn cứ để khẳng định thị trường năm 2010 sẽ sôi động hơn”. Thứ trưởng Bộ Xây dựng kiêm Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Trần Nam cho biết, tại kỳ họp giữa năm 2010, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua bản Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. Hiện nay, quy hoạch này đang bước vào giai đoạn nước rút.

Dự kiến, cuối tháng  2-2010, Bộ Xây dựng và tư vấn sẽ báo cáo Chính phủ về đồ án quy hoạch chung Hà Nội. Tiếp đó, tháng 3-2010, sẽ báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Sau đó, tháng 5-2010, sẽ báo cáo kết quả thực hiện công tác lập quy hoạch Hà Nội với Quốc hội”.

Cũng theo ông Nguyễn Trần Nam, khi có quy hoạch mới, nhiều dự án sẽ được cấp phép, giải tỏa. Các dự án này sẽ đáp ứng nhu cầu rất lớn của người dân. Hiện nay, bình quân diện tích nhà ở trên đầu người ở Việt Nam mới đạt trên 13m2. Trong khi đó, mục tiêu là đến năm 2015 phải đạt 15m2/đầu người và đạt 20m2/đầu người vào năm 2020. Việt Nam hiện có trên 1 tỷ m2 nhà ở, đến năm 2020, Việt Nam cần có tổng diện tích nhà ở trên 2 tỷ m2. Tức là trong 10 năm tới, còn phải xây dựng khoảng 1 tỷ m2 nhà ở. Trung bình phải xây 100 triệu m2 nhà ở/năm.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng cho rằng, thị trường trong năm 2010 sẽ tiếp tục hồi phục vì nhu cầu của thị trường còn rất nhiều, đặc biệt là thị trường nhà ở, văn phòng, khách sạn, các cơ sở thương mại, kinh doanh bán lẻ... Cơ sở để khẳng định điều này là kinh tế Việt Nam và thế giới đã có dấu hiệu hồi phục, cơ cấu gia đình đã có sự thay đổi, nhu cầu về chỗ ở khang trang ngày càng cao...

Sức ép tài chính

Dự kiến, tháng 5-2010, chính phủ sẽ báo cáo kết quả thực hiện công tác lập quy hoạch chung xây dựng Hà Nội với Quốc hội. Từ nay tới thời điểm đó, chắc chắn sẽ còn những điều chỉnh. Hơn bất kỳ ai khác, giới đầu tư bất động sản vẫn đặt mối quan tâm đặc biệt vào bản quy hoạch này bởi khác với đợt Hà Nội mở rộng năm 2008, quy hoạch mới có thể chấp nhận những dự án tốt hoặc ngược lại, sẽ gạt bỏ ra bên lề những gì đã lỗi thời, không còn phù hợp với định hướng phát triển mới của Thủ đô.

Không chỉ đặt mối quan tâm duy nhất vào quy hoạch chung xây dựng Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Hà dự báo, năm 2010, thị trường bất động sản cũng sẽ có sự chuyển hóa mạnh mẽ vào những phân khúc thị trường có tính thanh khoản cao. Những căn hộ có quy mô trung bình, giá cả vừa  phải giao dịch sẽ sôi động vì đáp ứng được phần đông nhu cầu của thị trường. Đương nhiên, trong quá trình hồi phục cũng sẽ gặp phải những khó khăn, đặc biệt là vốn và đất đai.

Nhấn mạnh tới tính nhạy cảm của thị trường bất động sản đối với các chính sách liên quan, thị trường vốn, chứng khoán... Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, sức ép về vốn trong năm 2010 lên các dự án là rất lớn. Lâu nay, các doanh nghiệp bất động sản thường trông chờ vào ngân hàng để xoay xở nguồn vốn. Song, nguồn vốn cho bất động sản đòi hỏi lượng tiền khổng lồ và dài hạn.

Trong khi đó, các ngân hàng thương mại hiện chỉ cho vay tối đa là 10 năm. Mức dư nợ trong tổng dư nợ của ngân hàng dành cho bất động sản thường có mức khống chế tối đa khoảng 10%. Mỗi khi có vấn đề nhạy cảm tài chính, lĩnh vực đầu tiên bị siết lại tín dụng chính là bất động sản. Do đó, nếu chỉ trông vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng, doanh nghiệp sẽ khó phát triển nhanh được.

Chia sẻ băn khoăn này, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, ông Đặng Hùng Võ cũng cho rằng, tiền vốn vẫn là bài toán trung tâm của thị trường BĐS trong năm 2010, mặc dù mức độ có thể thấp hơn 2009.  Do đó, bất kỳ một động thái về tăng nguồn cung tiền cho bất động sản, thị trường sẽ “ấm lên” và nếu giảm cung tiền cho đối tượng này, thị trường sẽ nguội lạnh ngay.