Tạm dừng, thu gọn quy mô tổ chức lễ hội dịp Tết

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội và các địa phương trên cả nước đã tạm dừng, thu gọn quy mô tổ chức lễ hội trong dịp Tết Nhâm Dần nhằm đảo bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Hà Nội tạm dừng tổ chức lễ hội dịp Tết

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 35/CT-TTG ngày 31/12/2021 về việc “Tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm” và Công văn số 58/BVHTTDL-VHCS ngày 7/1/2022 của Bộ VHTT&DL đề nghị tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; thời gian qua, nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã có chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tạm dừng tổ chức các lễ hội.

Lễ hội đền Hai Bà Trưng Mê Linh tổ chức năm 2018. Ảnh: Phạm Hùng.
Lễ hội đền Hai Bà Trưng Mê Linh tổ chức năm 2018. Ảnh: Phạm Hùng.

Ngày 13/1, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, đại diện phòng văn hoá, thông tin; Ban Quản lý các di tích một số quận huyện như: Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh đã xác nhận về việc tạm dừng tổ chức lễ hội. Trưởng phòng VH&TT huyện Mê Linh cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Tết Nguyên đán Nhâm Dần, huyện Mê Linh sẽ tạm dừng tổ chức các lễ hội”.

Ngày 12/1, UBND huyện Sóc Sơn đã có văn bản số 76/UBND-VH&TT về việc tăng cường biện pháp phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm”.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng: Trên cơ sở đánh giá tình hình, huyện Sóc Sơn đang đề nghị UBND các xã, thị trấn có lễ hội đầu Xuân thực hiện thông báo công khai, rộng rãi trên các phương tiện truyền thông về việc không đón khách và tổ chức lễ hội trên địa bàn. Tăng cường vận động, tuyên truyền người dân không tổ chức tiệc tất niên việc cưới báo hỷ hoặc hoãn tổ chức tiệc; việc tang văn minh không tổ chức đoàn viếng đông người, rút ngắn thời gian tổ chức và bảo đảm nghiêm ngặt các quy định phòng dịch Covid-19.

UBND huyện Sóc Sơn cũng đề nghị các phòng ban chuyên môn phối hợp cùng UBND 26 xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; lễ hội trước, trong và sau Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022, bảo đảm phục vụ Nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, phù hợp với nếp sống văn minh và tình hình dịch bệnh tại địa phương.

Tổ chức với quy mô nhỏ gọn

Bắc Ninh là địa phương có nhiều lễ hội nổi tiếng dịp Tết Nguyên đán như hội Lim (huyện Tiên Du), hội chùa Phật Tích (huyện Tiên Du), hội làng Diềm (TP Bắc Ninh), hội đền Bà Chúa Kho (TP Bắc Ninh), hội Đền Đô (TP Từ Sơn). Những lễ hội này thường đón hàng trăm nghìn du khách thập phương mỗi năm.

Nhưng gần đây, tỉnh Bắc Ninh ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 trong cộng đồng và khu công nghiệp. Do đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh này đã có văn bản tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, trong đó yêu cầu tạm dừng tổ chức lễ hội, các hoạt động trước, trong và sau dịp tết Nhâm Dần 2022.

Văn bản của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Ninh nêu: “Đối với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, thờ tự thực hiện các nghi lễ do các chức sắc tôn giáo tại cơ sở đó thực hiện. Đối với các địa phương được tổ chức nghi lễ tâm linh, phần lễ không quá 10 người có mặt và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch”.

Bên cạnh đó, hạn chế tối đa tổ chức các hoạt động tập trung đông người; các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trong tỉnh hạn chế di chuyển khi không thực sự cần thiết để đảm bảo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, cũng như bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

Tại tỉnh Hà Nam, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Lễ hội Tịch điền năm 2022 sẽ được tổ chức với quy mô gọn hơn song vẫn đảm bảo trang trọng, đúng nghi thức truyền thống.

Năm 2022 là kỷ niệm 1.035 năm ngày vua Lê Đại Hành về cày Tịch điền trên cánh đồng dưới chân núi Đọi Sơn (nay là xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên). Đây cũng là năm thứ 13 lễ hội được chính quyền địa phương tổ chức.

Để lễ hội mang lại hiệu quả và ý nghĩa thiết thực. Ban Tổ chức lễ hội sẽ phân công nhiệm vụ cụ thể, chặt chẽ cho các đơn vị có liên quan. Sở Y tế xây dựng kịch bản riêng, khuyến khích đại biểu và du khách test Covid-19 trước khi tham gia lễ hội; bố trí điểm quét mã QR Code để điều tra dịch.

Đồng thời, các sở, ngành liên quan và thị xã Duy Tiên phối hợp xây dựng chương trình lễ hội, tập trung tuyên truyền, cổ động trực quan trên các tuyến đường về khu trung tâm lễ hội; triển khai các phương án phòng, chống dịch Covid-19.

Mặt khác, từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Bộ VHTT&DL đề nghị các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động VHTT&DL, lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán; bảo đảm phục vụ Nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của dân tộc và tình hình dịch bệnh Covid-19 của từng địa phương.