Tạm gác mối lo khủng hoảng hạt nhân giữa chiến sự Nga-Ukraine

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc tắt lò phản ứng cuối cùng của nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu giữa bối cảnh chiến sự Nga-Ukraine tạm thời làm dịu nỗi lo thảm họa hạt nhân tại đây.

Cơ quan năng lượng hạt nhân Ukraine mới đây thông báo nhà máy Zaporizhzhia do Nga kiểm soát đã tắt lò phản ứng cuối cùng và đóng cửa để đảm bảo an toàn.

Xe quân sự Nga bên ngoài nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, phía xa là một trong các lò phản ứng của nhà máy. Ảnh: Reuters
Xe quân sự Nga bên ngoài nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, phía xa là một trong các lò phản ứng của nhà máy. Ảnh: Reuters

"Quá trình chuẩn bị đang được tiến hành để nhà máy làm nguội và chuyển sang trạng thái ngừng hoạt động," cơ quan năng lượng hạt nhân Ukraine (Energoatom) hôm 11/9 tuyên bố về việc ngắt kết nối lò phản ứng thứ sáu của nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia khỏi lưới điện.

Trong nhiều ngày qua, nhà máy Zaporizhzhia đã dùng lò phản ứng thứ sáu, lò cuối cùng còn hoạt động, để tạo ra nguồn điện cần thiết cho hoạt động làm mát chính nó, sau khi toàn bộ đường dây điện kết nối tới nhà máy đều bị ngắt do giao tranh diễn ra xung quanh.

Energoatom cho biết, đường dây điện tới nhà máy Zaporizhzhia đã được nối lại hôm 10/9, cho phép cơ quan này ngắt lò phản ứng cuối cùng trong nhà máy như một biện pháp an toàn.

Về phía Nga, cơ quan hạt nhân Rosenergoatom cũng xác nhận lò phản ứng cuối cùng của Zaporizhzhia đã dừng hoạt động và nhà máy đang chuyển sang trạng thái làm nguội.

Lực lượng Nga kiểm soát nhà máy Zaporizhzhia ở miền nam Ukraine từ tháng 3 nhưng cơ sở này vẫn do nhân viên kỹ thuật Ukraine vận hành. Nhà máy có khả năng cung cấp điện cho 4 triệu hộ gia đình.

Nhiều cuộc pháo kích gần đây xảy ra quanh khu vực nhà máy làm dấy lên lo ngại nguy cơ xảy ra sự cố hạt nhân tương tự thảm họa Chernobyl năm 1986. Nga và Ukraine cáo buộc lẫn nhau gây ra những vụ tấn công này.

Hồi giữa tuần này, chính quyền Kiev đã kêu gọi người dân Ukraine sống gần nhà máy sơ tán vì sự an nguy của chính bản thân mình.

Việc Nga và Ukraine đồng thời cáo buộc nhau pháo kích nhà máy, dẫn tới yêu cầu Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thanh sát cơ sở này.

Trong báo cáo sau khi thanh sát nhà máy Zaporizhzhia ngày 6/9, IAEA đã kêu gọi thiết lập ngay “vùng an ninh và an toàn” xung quanh nhà máy này nhằm ngăn ngừa một số “sự cố hạt nhân” có thể xảy ra do các hành động quân sự.

Trong báo cáo trên, IAEA liệt kê các hư hại ở nhiều phần của nhà máy, đồng thời cho rằng cần cải thiện điều kiện làm việc của nhân viên người Ukraine trong nhà máy này để tránh "những lỗi trong thực hiện các quy định về an toàn hạt nhân".

Một trong các khuyến nghị là thiết lập khu phi quân sự quanh nhà máy, Nga và Ukraine cam kết không có hoạt động quân sự nào gần nhà máy.

Cụ thể, theo đề xuất của Energoatom, khu vực quanh nhà máy Zaporizhzhia sẽ trở thành khu phi quân sự, cả Nga và Ukraine đều không được hiện diện quân sự tại đây. Việc đảm bảo an ninh cho nhà máy sẽ do lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc đảm trách.

Tuy nhiên phía Nga đã từ chối, cho rằng Ukraine sẽ đưa quân vào chiếm nhà máy khi quân đội Nga rút đi và Nga đang bảo vệ chứ không phải hủy hoại nhà máy.