Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số S&P 500 cộng 0,57% lên 4.050.83 điểm, ghi nhận mức cao nhất kể từ ngày 7/3. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,73% lên mức 12.013,47 điểm, khi nhóm cổ phiếu công nghệ tiếp tục nhận được sự quan tâm mới của nhà đầu tư. Chỉ số Dow Jones nhích 0,43% lên mức 32.859,03 điểm.
Chỉ số biến động Cboe, thước đo tâm lý sợ hãi của Phố Wall trong vòng 30 ngày tới, từng chạm mốc 30 điểm hồi giữa tháng 3 nhưng hiện chỉ còn 19 điểm, tương đương với hồi đầu tháng.
Đà tăng mạnh của nhóm cổ phiếu công nghệ tạo lực đẩy quan trọng cho thị trường Phố Wall trong phiên này. Cổ phiếu chip AMD là một trong những cổ phiếu hoạt động tốt nhất của thị trường. Chứng chỉ quỹ VanEck Vector Semiconductor ETF vọt 1,4%, nâng tổng mức leo dốc từ đầu năm đến nay lên hơn 28%.
Cũng trong lĩnh vực công nghệ, cổ phiếu Amazon và Apple đều ghi nhận sắc xanh.
Tuy nhiên, cổ phiếu ngân hàng khu vực tụt dốc sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden kêu gọi các quy định giám sát ngặt nghèo hơn, với mục đích cải thiện sức khoẻ của các ngân hàng tầm trung mà không cần phải có sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ.
Tổng thống Biden ngày 30/3 kêu gọi các cơ quan quản lý liên bang thực hiện các bước cụ thể để bảo vệ hệ thống ngân hàng sau sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) và Signature.
Nhà Trắng cho biết các đề xuất của Tổng thống Joe Biden phù hợp với nỗ lực gần đây của ông nhằm tăng cường giám sát và điều tiết các ngân hàng. Do đó, chính quyền muốn các cơ quan quản lý thực hiện một loạt biện pháp bảo vệ để hỗ trợ các ngân hàng có tài sản từ 100 tỷ đến 250 tỷ USD và tăng cường giám sát đối với các tổ chức tài chính.
Nhận định với Reuters, giám đốc đầu tư Jack Ablin của công ty quản lý vốn Cresset Capital cho biết: “Công nghệ có lẽ là nhóm ngành ít liên quan nhất đến nhóm tài chính, do đó nhà đầu tư đang chuyển hướng từ cổ phiếu tài chính sang cổ phiếu công nghệ”.
Khi chỉ còn 1 phiên giao dịch nữa là kết thúc quý I, nhóm cổ phiếu công nghệ đã tăng khoảng 20% từ đầu năm đến nay, trở thành nhóm tăng mạnh nhất trong kỳ. Nhóm tăng mạnh tiếp theo là nhóm dịch vụ truyền thông, với mức tăng khoảng 18%. Chỉ số Nasdaq Composite đang trên đà hoàn tất quý tăng mạnh nhất kể từ cuối 2020.
Tính từ đầu tháng 3 đến nay, Nasdaq Composite tăng hơn 4%, S&P 500 cộng 2% khi nhà đầu tư vượt qua những lo lắng về sự sụp đổ của SVB và đợt tăng lãi suất thứ 9 liên tiếp từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Dữ liệu mới được Cục Thống kê Lao động công bố cho thấy, số người xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc vào ngày 25/3 tại Mỹ là 198.000, tăng 7.000 người so với tuần trước đó và cao hơn mức 195.000 điểm mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo.
CNBC cho rằng việc số người xin trợ cấp thất nghiệp tăng lên sẽ giúp nhà đầu tư thêm hy vọng Fed sẽ giảm tốc độ thắt chặt tiền tệ để tránh gây tổn hại quá lớn tới thị trường lao động.
Chuyên gia Ajay Rajadhyaksha của ngân hàng Barclays, nhận định với CNBC: “Thị trường tài chính đang định giá theo kịch bản tích cực toàn diện, đó là một cuộc suy thoái khiến cho lãi suất và lạm phát cùng xuống thấp nhưng không tác động quá lớn tới lợi nhuận doanh nghiệp”.
Hiện thị trường đang chờ đợi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày 31/3. Số liệu này là thước đo lạm phát ưa thích của Fed. Gần đây, các số liệu khác đều cho thấy lạm phát ở Mỹ tăng tốc trở lại sau khi giảm vào cuối năm ngoái.
Thị trường lãi suất tương lai đang phản ánh khả năng 55% Fed nâng lãi suất thêm 0,25% trong cuộc họp vào ngày 2-3/5.