Những phát biểu và hành động cụ thể cho đến nay của ông Kishida đều tạo cảm nhận là nếu có khác trước thì chỉ về đối nội chứ không phải về đối ngoại, ít nhất thì cũng trong thời gian tới. Mục tiêu hàng đầu của ông Kishida bây giờ là cuộc bầu cử quốc hội vào ngày 28/11 tới, cụ thể là phải giành về phần thắng cho đảng LDP thì mới có thể yên ổn cầm quyền.
Cho nên giữ như lâu nay mới là thượng sách đối với ông Kishida, cụ thể là tiếp tục ưu tiên đối phó dịch bệnh, tiếp tục chính sách kinh tế, tài chính và xã hội theo tinh thần của chủ thuyết Abenomics cũng như củng cố quan hệ với Mỹ, cứng rắn với Trung Quốc và tiếp tục vừa đối phó vừa thiện chí đối thoại với Triều Tiên.Ông Kishida lên cầm quyền ở Nhật Bản trong bối cảnh tình hình không được thuận lợi do tác động rất tiêu cực của dịch bệnh đối với Nhật Bản về kinh tế và chính trị - xã hội. Những khía cạnh đối nội này chứ không phải chuyện đối ngoại sẽ quyết định kết cục cuối cùng của cuộc bầu cử quốc hội sắp tới.
Nhưng sau đấy thì dẫu ai và đảng phái chính trị nào cầm quyền thì cũng đều phải khác trước trong chính sách tài chính, xã hội, cụ thể là đều sẽ phải vừa tiếp tục có chương trình tài chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa kiềm chế mức độ vay nợ công, lại còn phải cải cách xã hội để ứng phó với tình trạng dân số già nua và chênh lệch giàu nghèo.
Nếu tiếp tục cầm quyền, ông Kishida vừa phải tiếp tục vừa phải điều chỉnh chủ thuyết Abenomics, vừa phải chiều ý bộ phận lão làng và làm hài lòng bộ phận trẻ cấp tiến trong đảng LDP. Không khắc phục được những khó khăn trong nội bộ này, ông Kishida sẽ rất khó thành công trong việc vượt qua được những thách thức về đối ngoại.