Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tân Tổng thống Philippines: Thực dụng hay ảo tưởng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ khi đắc cử Tổng thống ở Philippines đến nay, ông Rodrigo Duterte đã có những phát biểu ám chỉ sẽ theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập hơn so với người tiền nhiệm.

Thiên hạ hiểu những tuyên ngôn chính sách này của ông Duterte theo hướng vị Tổng thống này sẽ không còn coi trọng Mỹ như người tiền nhiệm và sẽ không cứng rắn với Trung Quốc như người tiền nhiệm. Và câu hỏi được thiên hạ đặt ra là ông Duterte thực dụng hay ảo tưởng với những ý tưởng chính sách như thế.
Tân Tổng thống Philippines: Thực dụng hay ảo tưởng - Ảnh 1
Ảnh minh họa
Về chính trị đối nội, ông Duterte không phải người mới nhưng về đối ngoại và an ninh, về chính trị khu vực và thế giới thì vị tân Tổng thống Philippines lại rất mới, nghiệp dư nhiều hơn chuyên nghiệp. Thêm vào đó, ông Duterte thường xuyên thay đổi quan điểm chứ không kiên định nguyên tắc và bị chi phối rất đáng kể bởi phong cách dân túy. Vì thế, mọi tuyên ngôn chính sách của ông Duterte về đối ngoại và an ninh khu vực nên được nhìn nhận và đánh giá trong tính tương đối của chúng.

Ông Duterte nổi danh là người thực dụng mà những người thực dụng thường suy tính lợi ích và hành động theo phương châm "mục đích thần thánh hóa công cụ". Hiện tại, mối đe dọa an ninh lớn nhất đối với Philippines không phải là cuộc xung đột sắc tộc và tôn giáo ở trong nước nữa mà là bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Bãi cạn Scarborough chỉ là một ví dụ và bước đầu. Trung Quốc sẽ không dừng lại ở những gì đã và đang làm ở Scarborough mà chắc chắn sẽ còn lấn tới. Người tiền nhiệm của ông Duterte đối phó Trung Quốc bằng cách kiện ra Tòa trọng tài thường trực của Liên Hợp quốc, bằng thiết lập quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ và bằng tập hợp lực lượng với những nước khác cũng bị Trung Quốc thách thức về an ninh thông qua tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Bây giờ, ông Duterte có những phát ngôn khiến bên ngoài hiểu theo hướng ông Duterte tìm cách giải quyết mọi chuyện thông qua đàm phán song phương với Trung Quốc.

Nếu đúng như vậy thì vị Tổng thống này đã chuyển từ tư duy thực dụng sang theo đuổi ảo tưởng. Trong cuộc đấu tranh này với Trung Quốc, Philippines không phải là đối thủ của Trung Quốc trên thực địa. Cuộc tranh chấp của Trung Quốc với Philippines nằm trong chiến lược thôn tính toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc nên sẽ không có chuyện Trung Quốc chịu lùi bước trước Philippines. Giải quyết tranh chấp bằng đàm phán song phương xưa nay luôn là ý muốn của Trung Quốc để phân hóa nội bộ ASEAN và các nước cùng bị Trung Quốc đe dọa an ninh. Nó là cái bẫy của Trung Quốc mà ông Duterte sẽ mắc phải nếu chủ ý đối thoại với Trung Quốc mà không dựa vào những thế mạnh khác. Thực tiễn quan hệ của các nước với Trung Quốc đều cho thấy, nếu duy ý chí và ảo tưởng với Trung Quốc thì rồi về sau đều phải trả giá rất đắt.