Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tân Tổng Thư ký Liên Hợp quốc: Nhiều kỳ vọng, lắm khó khăn

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp quốc (LHQ) hôm 12/12, tân Tổng Thư ký (TTK) Antonio Guterres đã chính thức tuyên thệ nhậm chứ.

 Tân Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres (trái) tuyên thệ nhậm chức.

Trong phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp quốc (LHQ) tại trụ sở chính ở New York (Mỹ) hôm 12/12, tân Tổng Thư ký (TTK) Antonio Guterres đã chính thức tuyên thệ nhậm chức, đánh dấu một giai đoạn mới của tổ chức lớn nhất thế giới này.

Vốn là một nhà ngoại giao kỳ cựu khi đảm nhiệm các vị trí quan trọng như Thủ tướng Bồ Đào Nha từ năm 1995 - 2002, Cao ủy LHQ về người tị nạn từ tháng 6/2005 - 5/2015…, ông Antonio Guterres được kỳ vọng có đủ bản lĩnh và kinh nghiệm để giúp LHQ vượt qua được những khó khăn hiện nay. Trên thực tế, trong cuộc đua vào vị trí cao nhất của LHQ, ông Guterres (67 tuổi) luôn là ứng cử viên sáng giá nhất. Ông Guterres đã vượt qua 12 ứng cử viên khác và được Đại hội đồng LHQ chính thức chỉ định cho vị trí TTK LHQ hôm 13/10. Đặc biệt, ông Guterres có lợi thế hơn cả người tiền nhiệm Ban Ki-moon ở chỗ nhận được sự ủng hộ của cả 5 nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ.

Trong bài phát biểu tuyên thệ nhậm chức, tân TTK Guterres đã công bố những mục tiêu đầy tham vọng để giải quyết các vấn đề toàn cầu hiện nay. Theo đó, ông Guterres cam kết sẽ hết mình bảo vệ những người dễ bị tổn thương, bao gồm nạn nhân chiến tranh, xung đột, khủng bố và người di cư… Đối với cuộc khủng hoảng chính trị và di cư tại Trung Đông hiện nay, tân TTK được coi là một sự lựa chọn “hoàn hảo”, bởi ông Guterres có kinh nghiệm trong vấn đề di cư khi đứng đầu Cao ủy người tị nạn LHQ suốt 10 năm qua. Đặc biệt, vấn đề cải tổ bộ máy LHQ là nhiệm vụ tối quan trọng và là điều cần thiết nhất đối với tổ chức này. Bởi, trong suốt thời gian vừa qua, những vấn đề do LHQ xử lý chưa thực sự ổn thỏa, điển hình là thất bại trong việc áp lệnh trừng phạt CHDCND Triều Tiên vì chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Ngoài ra, tân TTK LHQ khi nhận nhiệm vụ vào ngày 1/1/2017 là phải tìm lời giải cho tình trạng khủng bố đang bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới và đảm bảo 193 nước thành viên LHQ đồng lòng thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, và hướng tới năm 2030. Đây đều là những nhiệm vụ không hề dễ dàng và tân TTK LHQ sẽ phải dốc hết sức mình để thực hiện được các cam kết đã công bố.