Ngày 20/10, Đoàn kiểm tra số 01 của Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở TP Hà Nội do Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến dẫn đầu, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở trên địa bàn phường Trúc Bạch và phường Vĩnh Phúc – quận Ba Đình.
Đảm bảo quyền dân chủ và giám sát của người dân
Theo báo cáo của 2 phường Trúc Bạch và Vĩnh Phúc, Đảng ủy 2 phường đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, gắn việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở với các nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng; thực hiện các nhiệm vụ chính trị, với việc thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội. Kết quả 9 tháng đầu năm 2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn phường Trúc Bạch ước thực hiện 7.228.602.289 đồng đạt 73% kế hoạch; phường Vĩnh Phúc tổng thu ngân sách ước đạt 4.645.000.000 đồng, đạt 92,4% kế hoạch năm.
Đối với phường Trúc Bạch, UBND phường đã thực hiện công khai các loại quỹ đóng góp của dân; kết quả bình xét các hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn, trợ cấp xã hội, các trường hợp được hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid 19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và Nghị quyết 15 của HĐND TP; các thủ tục và quy trình thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đến người dân, niêm yết công khai 111 thủ tục hành chính cấp phường và 59 thủ tục hành chính liên thông thuộc 12 lĩnh vực tại bộ phận “một cửa”của phường; công tác thu thuế; công tác xét duyệt cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất, giấy phép các công trình xây dựng...
Niêm yết công khai đề án tổ chức khu phố ẩm thực kết hợp đi bộ Đảo Ngọc Ngũ Xã, phường Trúc Bạch; khảo sát, lấy ý kiến toàn bộ các hộ gia đình trong khu vực và đại diện các tầng lớp dân cư trên địa bàn phường. Trong tổng số 338 phiếu đóng góp ý kiến, có 330 phiếu đồng tình (đạt 97,6%) và 8 phiếu không đồng tình (2,4%). Tổ chức hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND phường với Nhân dân trên địa bàn các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Đề án.
Nhờ phát huy dân chủ ở cơ sở, Nhân dân phường Trúc Bạch đã tự nguyện tham gia đóng góp kinh phí hỗ trợ xây dựng các dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị, xã hội hóa…từ năm 2020 đến nay với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng. Tất cả kinh phí vận động đều do nhân dân đóng góp đồng thời đều được công khai cho nhân dân và cử người giám sát.
Thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở, đã tiến hành hòa giải thành 15/16 vụ mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, đạt 94%. Việc triển khai cấp mã định danh cho Nhân dân được đẩy mạnh, thực hiện đạt 63,2% dân số.
Đối với UBND phường Vĩnh Phúc, mặc dù không tổ chức mô hình HĐND cấp phường, song quyền dân chủ và giám sát của Nhân dân vẫn được đảm bảo, được tăng cường hơn bằng hình thức giám sát trực tiếp của Nhân dân hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức chính trị - xã hội.
Ban TTND, Ban GSĐTCĐ phường Vĩnh Phúc thực hiện giám sát đối với các dự án, công trình đầu tư trong năm 2021, 2022: Dự án khớp nối hạ tầng kỹ thuật khu 7,2ha; công trình xây dựng mới và cải tạo Trường THCS Hoàng Hoa Thám, Tiểu học Hoàng Hoa Thám và Mầm non Sao Mai, các dự án cải tạo hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn phường.
Hoạt động của Tổ hòa giải ở cơ sở đã tổ chức hòa giải thành 35/36 vụ việc, đạt tỷ lệ 97%; 9 tháng đầu năm 2022, đã tổ chức hòa giải thành 23/24 vụ, đạt tỷ lệ 96%.
Thực hiện QCDC ở cơ sở trong các loại hình mới được triển khai thực hiện. UBND phường ban hành QCDC trong công tác giải phóng mặt bằng, QCDC về công tác thuế đối với các hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn. Riêng về GPMB, năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022, UBND phường Vĩnh Phúc đã tập trung phối hợp với BQL Dự án đầu tư xây dựng Quận Ba Đình triển khai công tác GPMB dự án hoàn thiện và khớp nối hạ tầng kỹ thuật khu 7,2ha. Tổng diện tích GPMB của dự án, các văn bản quy định về chế độ chính sách trong GPMB, 91 phương án và tiến độ triển khai thực hiện dự án đều được thông báo và niêm yết công khai tại trụ sở UBND phường và nhà sinh hoạt cộng đồng của địa bàn dân cư…
Quan tâm thực hiện quy chế dân chủ trong các loại hình mới
Phát biểu kết luận, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận, đánh giá cao vai trò lãnh đạo chỉ đạo của Quận uỷ Ba Đình và sự vào cuộc tích cực của phường Trúc Bạch, Vĩnh Phúc trong việc thực hiện QCDC tại cơ sở.
Qua trao đổi giữa các thành viên đoàn kiểm tra và lãnh đạo 2 phường, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị quận Ba Đình quan tâm xây dựng và triển khai thực hiện QCDC trong các loại hình mới, chú trọng việc thực hiện QCDC trong công tác giải phóng mặt bằng, quản lý trật tự xây dựng và công tác thuế đối với các hộ kinh doanh; mở rộng xây dựng và thực hiện QCDC trong những lĩnh vực mà người dân quan tâm…
Về nhiệm vụ thời gian tới, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở TP đề nghị, quận Ba Đình và 2 phường tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Cùng với việc rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế xã hội, phấn đấu hoàn thành, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch công tác năm 2022, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội từ Quận đến cơ sở tiếp tục quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn nữa các quan điểm chỉ đạo của Trung ương, TP về thực hiện dân chủ ở cơ sở, gắn với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
“Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp uỷ đảng; trách nhiệm của chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị về thực hiện QCDC” – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị gắn việc thực hiện QCDC với các nhiệm vụ trọng tâm của TP, của địa phương, cơ sở; thực hiện tốt chủ đề năm 2022 của TP “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, đặc biệt là triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội; Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 4/7/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị các đơn vị đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường tuyên truyền về xây dựng và thực hiện QCDC đến cán bộ và người dân, thông qua ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân, tăng cường đối thoại, quan tâm giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Cùng với đó, cần phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện QCDC ở cơ sở, góp phần hoàn thành những nhiệm vụ được giao.